Liên hiệp quốc cảnh báo sự thụt lùi về phát triển con người

Báo cáo mới nhất của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) về phát triển con người đã cảnh báo nhiều cuộc khủng hoảng đang cản trở tiến bộ phát triển con người. Điều đáng nói là thực trạng này ảnh hưởng đến 90% quốc gia thành viên Liên hiệp quốc (LHQ).

Người nghèo ở Bangladesh mưu sinh trong lũ
Người nghèo ở Bangladesh mưu sinh trong lũ

Khủng hoảng nối tiếp 

Báo cáo Phát triển con người (HDR) năm 2021-2022 có tựa đề “Thời điểm không chắc chắn, cuộc sống bất ổn: Định hình tương lai của chúng ta trong một thế giới đang biến đổi”.

Theo báo cáo, xã hội toàn cầu đang luẩn quẩn từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác và có nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu thốn ngày càng gia tăng, cùng với tình trạng bất công. Đứng đầu danh sách các sự kiện gây ra sự xáo trộn lớn trên toàn cầu là đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine, dẫn đến những chuyển dịch kinh tế - xã hội sâu rộng, những thay đổi nguy hiểm và sự phân cực gia tăng.

Lần đầu tiên sau 32 năm UNDP lập thống kê, Chỉ số Phát triển con người (HDI - chỉ số tổng hợp các tiêu chí, gồm tuổi thọ trung bình người dân mỗi quốc gia, trình độ giáo dục và mức sống) đã giảm liên tiếp trong 2 năm 2021-2022.

Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner cho rằng, căn cứ vào 3 thước đo trên, có thể phần nào hiểu được vì sao có nhiều người bắt đầu cảm thấy bất lực, hoảng sợ và lo lắng về tương lai. Điều này báo hiệu một cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc đối với nhiều khu vực, trong đó Mỹ Latinh, Caribe, châu Phi cận Sahara và Nam Á, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Theo báo cáo này, phát triển con người đã giảm trở lại mức năm 2016, đảo ngược phần lớn tiến trình hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ vào năm 2030. 

Báo cáo nhấn mạnh, đây chính xác là một bước thụt lùi toàn cầu, ảnh hưởng tới hơn 90% số quốc gia. Yếu tố giảm mạnh nhất dẫn tới HDI 2021 tiếp tục giảm là tuổi thọ người dân toàn cầu, từ mức 73 tuổi trong năm 2019 xuống còn 71,4 tuổi trong năm 2021. Ông Achim Steiner đánh giá, triển vọng trong năm 2022 không mấy sáng sủa khi những ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine chưa được tính đến trong chỉ số HDI 2021. 

Theo UNDP, những làn sóng liên tiếp của các biến thể Covid-19 mới và những cảnh báo về các đại dịch trong tương lai ngày càng dễ xảy ra gây bất an cho môi trường sống. Bên cạnh đó, sự phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ ảnh hưởng đến việc làm và những lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng khí hậu đang ngày càng lớn.

Tập trung vào các lĩnh vực chính

 Theo Tổng Giám đốc UNDP, thế giới đang chứng kiến các cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt và năng lượng. Ông Achim Steiner kêu gọi một ý thức mới về tình đoàn kết toàn cầu để giải quyết “những thách thức chung, liên kết với nhau”, nhưng ông cũng thừa nhận rằng, cộng đồng quốc tế hiện đang “tê liệt trong việc thực hiện những thay đổi này”.

Theo ông Pedro Conceicao, chuyên gia UNDP, tác giả chính của báo cáo, thế giới cần tăng gấp đôi phát triển con người và bảo vệ hành tinh, cung cấp cho mọi người những công cụ cần thiết để họ cảm thấy an toàn hơn, lấy lại cảm giác kiểm soát cuộc sống của mình và có hy vọng trong tương lai. Báo cáo của UNDP cũng lưu ý có thể tạo ra những thay đổi tích cực bằng cách tập trung vào các lĩnh vực chính: đầu tư cho năng lượng tái tạo, chuẩn bị ứng phó các đại dịch có thể xảy ra, trang bị các công cụ bảo hiểm để giảm thiểu thiệt hại từ các cú sốc, thúc đẩy sáng tạo để củng cố năng lực ứng phó khủng hoảng trong tương lai.

Ông Achim Steiner cũng kêu gọi cần tăng trở lại hoạt động hỗ trợ phát triển cho những quốc gia dễ chịu tác động nhất, vì nếu các hỗ trợ tiếp tục xu hướng giảm như hiện nay thì sẽ dẫn tới sai lầm nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục