Lơ là chống dịch

Cả nước đã ghi nhận 6 tỉnh, thành phố có dịch cúm gia cầm, cùng với đó là 3 người mắc cúm A/H5N1, trong đó một trường hợp đã tử vong. Chưa hết, cúm A/H1N1 dù không còn ổ dịch lớn, nhưng vẫn tiếp tục rải rác có người mắc. Trong khi đó, dịch tả lại đang rình rập bùng phát tại một số tỉnh biên giới Tây Nam. Rõ ràng, tình hình dịch bệnh trên người và gia cầm đang có chiều hướng diễn biến phức tạp và nguy hiểm hơn từ đầu năm tới nay, đặc biệt là từ sau Tết Nguyên đán. Đây không phải là điều quá bất thường, nhưng nó lại là dấu hiệu của tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.

Đối với dịch cúm gia cầm, thực tế ngay từ cuối năm ngoái đã xuất hiện các ổ dịch tẻ lẻ ở vài địa phương và cơ quan chức năng đã có cảnh báo. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nhất là tuyến cơ sở đã phớt lờ những cảnh báo của cơ quan chức năng, việc triển khai tiêm phòng cho gia cầm và các biện pháp giám sát tình hình hình dịch bệnh, kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia cầm bị buông lỏng. Chẳng hạn như tại tỉnh Tuyên Quang, khi cơ quan y tế khi phát hiện ra có bệnh nhân mắc cúm A/H5N1, sau đó ngành thú y mới có báo cáo phát hiện dịch cúm trên đàn gia cầm. Trong khi đó, theo quy luật thông thường thì chỉ sau khi có dịch cúm trên gia cầm mới có cúm A/H5N1 ở người.

Điều này một lần nữa cho thấy, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, sự thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và địa phương trong phòng chống dịch vẫn đang tiếp diễn nên dịch cúm gia cầm đã liên tiếp bùng phát tại nhiều địa phương.

Nhiều chuyên gia đã nhận định, hiện tại thời tiết đông-xuân là điều kiện lý tưởng cho virus cúm gia cầm lây lan, phát triển, nguy cơ dịch lan rộng và lây lan sang người rất dễ xảy ra. Đồng thời, trước tình trạng virus cúm A/H5N1 vẫn tồn tại trên nhiều đàn gia cầm và thủy cầm, nên cơ quan y tế và thú y đã liên tục đưa ra cảnh báo, người dân không nên giết mổ, sử dụng, tiếp xúc với gia cầm ốm chết. Vậy nhưng thực tế, 3 trường hợp được phát hiện mắc cúm A/H5N1 trên người từ đầu năm 2010 tới nay tại Tiền Giang, Khánh Hòa và Tuyên Quang, trong đó một trường hợp ở Tiền Giang tử vong đều có liên quan hoặc có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm ốm, chết.

Cúm gia cầm, cúm A/H5N1 và cúm A/H1N1 vẫn chưa được khống chế, nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác vẫn đang rình rập chờ thời cơ bùng phát. Do đó, ngoài việc các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở cần phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh thì bản thân mỗi người dân phải tự giác nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.  

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục