Lo xa không thừa

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn nhìn nhận về nhiều khó khăn trong thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia. Trong đó, thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, các năm còn lại khó dự báo do phụ thuộc vào hiệu quả xử lý các hạn chế, tồn tại và tiến độ phục hồi kinh tế.

Chiều 23-10, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền Thủ tướng, đã trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, bội chi ngân sách bình quân 3 năm (2021-2023) là 3,4% GDP, trong phạm vi Quốc hội phê duyệt. Mức bội chi 5 năm dự kiến khoảng 3,7% GDP, trong mục tiêu Quốc hội giao và số tuyệt đối dự kiến giảm so với đầu nhiệm kỳ. Việc huy động, trả nợ công và các chỉ tiêu an toàn nợ công, hạn mức vay, bảo lãnh của Chính phủ, vay nợ chính quyền địa phương đều đảm bảo mục tiêu đề ra.

Tuy vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn nhìn nhận về nhiều khó khăn trong thực hiện kế hoạch tài chính quốc gia. Trong đó, thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, các năm còn lại khó dự báo do phụ thuộc vào hiệu quả xử lý các hạn chế, tồn tại và tiến độ phục hồi kinh tế.

Đây cũng chính là yếu tố khiến cho Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá tình hình một cách thận trọng với quan điểm “lo xa không thừa”. Thống nhất với nhận định của Chính phủ về tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước sẽ chậm lại, đồng thời, cơ quan thẩm tra chỉ ra rằng nhu cầu chi tiêu đầu tư để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế lại đang tăng khá mạnh.

Cụ thể, năm 2023, Chính phủ dự kiến nhu cầu huy động 604.379 tỷ đồng (bằng 93,8% kế hoạch). “Trong đó, Chính phủ dự kiến vay 589.000 tỷ đồng để trả nợ gốc ngân sách trung ương, chiếm 32,35% trong cơ cấu tổng mức vay. Tỷ lệ này có xu hướng tăng trong năm 2024 (khoảng 42,4%) cho thấy xu hướng phải tăng vay để trả nợ gốc”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ và nhấn mạnh, các khoản vay mới đàm phán và ký kết từ năm 2022 trở lại đây có lãi suất cao hơn, đặt ra yêu cầu bức thiết phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay.

Theo kế hoạch, năm 2024, Chính phủ dự kiến tổng nhu cầu vay là 676.057 tỷ đồng, nợ công ước khoảng 39%-40%GDP trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực. Các chỉ tiêu này trong mức trần Quốc hội cho phép, song số tuyệt đối và tỷ lệ vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước năm 2024 khoảng 24%-25%, là tiệm cận mức trần (25%) theo nghị quyết của Quốc hội.

Tổng thể 3 năm thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công vừa qua cho thấy, số chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài rất chậm, nhiều năm không đạt dự toán, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, uy tín của Chính phủ, hạn chế lợi ích kinh tế - xã hội từ dự án. Đó là chưa kể những chi phí phát sinh ngoài kế hoạch dự kiến khi ký kết các hiệp định vay do không rút vốn đúng kế hoạch và do kéo dài thời gian, buộc phải gia hạn hiệp định.

Trong khi đó, chính quyền địa phương lại quản lý nợ chưa tốt. Theo báo cáo của Chính phủ, trừ TPHCM, hầu hết các địa phương chưa có bộ phận quản lý nợ riêng biệt. Cơ sở dữ liệu nợ chính quyền địa phương còn chưa có tính hệ thống và đầy đủ, ảnh hưởng đến minh bạch thông tin nợ công. Để điều hành cân đối ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công, Chính phủ cần dành nguồn tăng thu để tăng chi trả nợ gốc, tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Chính phủ cũng lưu ý xây dựng kế hoạch, quản lý chặt chẽ việc huy động, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi và trả nợ gốc ngân sách; phát hành trái phiếu chính phủ gắn với khả năng giải ngân chi, trả nợ gốc của ngân sách nhà nước, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục