Sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các cơ sở công nghiệp, lớn hay bé, tiêu thụ nguyên liệu, năng lượng, nước nhiều hay ít. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có tiềm năng giảm lượng nguyên nhiên liệu tiêu thụ từ 10-15%.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn là doanh nghiệp đã giảm thiểu các tổn thất nguyên vật liệu và sản phẩm, do đó có thể đạt sản lượng cao hơn, chất lượng ổn định, tổng thu nhập kinh tế cũng như tính cạnh tranh cao hơn.
Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng sản xuất sạch hơn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn cả lợi ích về mặt môi trường. Các lợi ích này có thể như cải thiện hiệu suất sản xuất; Sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; Tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; Giảm ô nhiễm; Giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; Tạo nên hình ảnh về mình tốt hơn và cải thiện sức khoẻ nghề nghiệp và an toàn. Không chỉ thế, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề môi trường đã dẫn đến sự bùng nổ nhu cầu về sản phẩm xanh trên thị trường quốc tế.
Chính vì vậy, khi doanh nghiệp đã có những nỗ lực nhận thức về sản xuất sạch hơn thì sẽ có thể mở ra được nhiều cơ hội thị trường mới và sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao hơn và có thể bán ra với giá cao hơn. Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường, ví dụ như ISO14001, hoặc các yêu cầu của thị trường như nhãn sinh thái. Sản xuất sạch hơn phản ánh và cải thiện hình ảnh chung về doanh nghiệp của bạn. Không cần phải nhắc lại, một công ty với hình ảnh “xanh” sẽ được cả xã hội và các cơ quan hữu quan chấp nhận dễ dàng hơn.
T.M
Quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
Bộ Y tế vừa có Thông tư quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.
Theo đó, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín cần bố trí cơ sở ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm. Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau để dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Nước sử dụng để chế biến thức ăn ngay, thực phẩm chín phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT; nước đá sử dụng trong pha chế đồ uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
Đồng thời, có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín và phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng; trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín; vật liệu, bao gói thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định; chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
T.K
10 sự kiện môi trường nổi bật 2012
Vừa qua, tại TPHCM, bản tin Môi trường cùng các nhà báo chuyên viết về lĩnh vực môi trường cùng bình chọn 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước của năm qua.
Năm 2012, 10 sự kiện môi trường nổi bật trong nước được các nhà báo bình chọn như sau (kết quả được sắp xếp theo thứ tự thời gian): Phát hiện loài bọ cạp mới tại Phong Nha - Kẻ Bàng; Sonadezi Long Thành là thủ phạm gây ô nhiễm rạch Bà Chèo; Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách ô nhiễm dioxin; đặt tên 10 hòn đảo ở Cù Lao Chàm cho rùa biển; quyết định di dời Trung tâm cứu hộ gấu ra khỏi Vườn Quốc gia Tam Đảo gây bất ngờ; 400.000 USD xây dựng lá chắn xanh cho ven biển miền Trung; hai dự án thuỷ điện 6 và 6A tại Đồng Nai vẫn tiếp tục “gây tranh cãi”; Vườn Quốc gia mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar thế giới; công bố chiến lược bảo vệmôi trường quốc gia.
M.T