
LTS: Góp ý về việc phát triển du lịch, nhiều bạn đọc nêu nhận xét: Nước ta có nhiều lợi thế du lịch, nhưng tiếc là chưa được khai thác tốt. Do loại hình du lịch chưa phong phú, nạn chèo kéo, “chặt chém”, giao thông chưa thuận tiện, giá dịch vụ và vận chuyển cao, nên ít du khách nước ngoài trở lại lần nữa.

Đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) là điểm du lịch biển đảo rất đẹp, nhưng chưa thu hút được nhiều du khách. Ảnh: VÂN KHANH
Chưa khởi sắc
Nước ta có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được các tạp chí du lịch nước ngoài bình chọn là điểm đến hấp dẫn. Năm 2013, Bãi Dài (Phú Quốc) và An Bàng (Hội An) được chuyên trang du lịch của CNN bình chọn trong tốp 100 bãi biển đẹp nhất hành tinh. Năm 2014, tạp chí National Geographic bình chọn vịnh Hạ Long là 10 điểm đến lãng mạn mùa Valentine. Gần đây nhất, 3 địa danh Đà Lạt, TPHCM, Phú Quốc được trang tin du lịch châu Á Asia One Travel ghi nhận là 3 điểm đến tuyệt đẹp ở Việt Nam. Tràng An, vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn… đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thế nhưng du lịch nước ta vẫn chưa thực sự khởi sắc. Chẳng dám so sánh với các nước phương Tây hay Đông Á, chỉ với các nước khu vực ASEAN thôi, như Thái Lan, Singapore, Indonesia…, đã thấy hoạt động du lịch Việt Nam kém cỏi hơn rất nhiều.
Cách làm du lịch nước ta thua xa Thái Lan. Thái Lan ít thắng cảnh tự nhiên, nhưng thành điểm đến nổi tiếng nhờ cung cách phục vụ. Ở đó không có cảnh người bán hàng rong và ăn xin chèo kéo làm phiền du khách như ở Việt Nam. Thái Lan rất quan tâm và biết thu hút du khách. Chẳng hạn như chợ nổi ở Thái Lan chỉ là một con kênh nhỏ trải dài, nhưng xây dựng được thương hiệu nhờ chính quyền địa phương chịu đầu tư xây dựng. Du khách đến đây không khỏi hoa mắt vì cảnh buôn bán tấp nập trên sông với nhiều loại trái cây, món ăn, quà lưu niệm được bày bán theo từng khu. Trong khi đó, ở Việt Nam, cụ thể là ở miền Tây Nam bộ như Cái Bè, Cái Răng, Phụng Hiệp, Ngã Năm… có chợ nổi, nhưng chỉ dừng lại ở nếp sinh hoạt của người dân miền sông nước, chứ chưa thành sản phẩm du lịch. Mặc dù có nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài muốn khám phá chợ nổi, nhưng họ có phần thất vọng. Bởi chợ chỉ họp gói gọn trong khoảng 2 - 3 giờ (bắt đầu từ 4 giờ sáng) và vào mùa trái cây mới đông đúc. Chợ nổi ở nước ta tệ đến mức không có điểm tập kết rác, người dân cứ thản nhiên xả rác nổi lềnh bềnh trên sông. Cũng không có nhân viên cứu hộ, quản lý trật tự. Đã có nhiều trường hợp đuối nước xảy ra tại các chợ nổi, chủ yếu là trẻ con.
Điểm du lịch đẹp vẫn chưa đủ. Cần phải chịu khó đầu tư, phát huy thế mạnh du lịch từng vùng, dịch vụ tốt, con người thân thiện thì mới kéo du khách đến lần hai, lần ba…
ĐẶNG TRUNG THÀNH (Bình Chánh, TPHCM)
Mở thêm các loại hình du lịch biển đảo
Tôi có vài dịp theo tour du lịch Côn Đảo và Phú Quốc. Nhưng cũng như nhiều người đi cùng, tôi không thực sự thỏa mãn với chuyến đi của mình, bởi mang tiếng ra đảo nhưng trải nghiệm với đảo, với biển lại quá ít. Đó là điều đáng tiếc. Bởi ở các đảo lớn, việc khai thác du lịch còn rất nhiều tiềm năng để giúp du khách có những trải nghiệm thú vị và góp phần giáo dục tình yêu biển đảo.
Nên tạo ra thêm một số sản phẩm du lịch mang tính khám phá biển, đảo. Đó là đưa du khách tham quan, tìm hiểu về tự nhiên, về hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân, về đời sống của người dân tại các địa điểm trên biển hoặc tại các đảo. Chẳng hạn, đưa du khách đi thuyền ra thăm một số đảo nhỏ, tìm hiểu nghề đánh bắt cá, nghề câu mực, nghề làm cá khô, nghề vá lưới, hoặc tiếp cận với ngư dân đang đánh bắt gần bờ (hay ngư dân vừa trở về sau một chuyến đi biển)…, để du khách có thể hiểu rõ hơn các hoạt động gắn với biển đảo. Ngoài ra, nên có sự gắn kết, liên hệ chặt chẽ hơn trong các tour tham quan biển đảo; chẳng hạn nên tổ chức cho du khách thăm các đảo nhỏ xung quanh; hay nghỉ dưỡng ở một bãi biển nào đó…
Cũng cần tăng “chất trải nghiệm” cho du khách liên quan đến biển, đảo. Đó là tạo điều kiện để du khách được tiếp cận hoặc trực tiếp tham gia các hoạt động ở biển, đảo, như sống cùng với ngư dân tại các vùng chuyên đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; tham gia một số hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; dã ngoại, cắm trại ở đảo hoặc ở bãi biển; lặn biển…
Nên lồng ghép trải nghiệm với giáo dục, hun đúc tình yêu biển đảo cho du khách. Với một số đối tượng du khách nhất định, nên có các chương trình vừa tham quan, vừa trải nghiệm vừa gắn với các hoạt động tìm hiểu về biển đảo, qua đó để giáo dục, hun đúc đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tình yêu đối với biển đảo. Nhất là với thanh niên, nên có các trò chơi vận động, các cuộc thi, các hoạt động mang tính khám phá, thám hiểm để việc tìm hiểu, trải nghiệm, tạo tình cảm gắn bó với biển đảo càng thiết thực và hiệu quả hơn.
TRỊNH MINH GIANG (Thủ Đức, TPHCM)