Với một cuộc đời rất phong phú, một sự nghiệp hoành tráng và một tài năng rất kiệt xuất, có rất nhiều cách vinh danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng tôi muốn nói tới một danh xưng mà chính Đại tướng tự nhận đó là “Đại tướng của Hòa bình”. Điều này Đại tướng không chỉ nói riêng cho mình mà muốn nói về sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam, lịch sử cách mạng Việt Nam. Danh xưng mà Đại tướng nói đến, theo tôi, là danh xưng rất đẹp, thể hiện rất rõ bản chất của cuộc cách mạng của chúng ta, bản chất quân đội của chúng ta, bản chất sức mạnh của Đại tướng - đó là con người đấu tranh, phấn đấu cho hòa bình.
Những nhà nghiên cứu lịch sử của chính những quốc gia có liên hệ tới những cuộc chiến tranh diễn ra ở Việt Nam như Pháp và Mỹ đều nhận ra, nguyên nhân bùng nổ chiến tranh bao giờ cũng bắt đầu từ những chính khách diều hâu muốn bảo vệ những giá trị đã lỗi thời.
Ví như, khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ luôn gặng hỏi về sự kiện đã từng diễn ra trên Vịnh Bắc bộ vào tháng 8-1964. Đại tướng khẳng định, chỉ khi tàu của Mỹ xâm phạm vào hải phận những hòn đảo của Việt Nam, lực lượng vũ trang của ta mới nổ súng đánh đuổi, và không có bất kỳ một hành động quân sự nào diễn ra tại vùng biển quốc tế đối với tàu Madoc của Mỹ. Lịch sử cho thấy, sự kiện Vịnh Bắc bộ cuối cùng chính là một vụ dàn dựng để những phần tử diều hâu trong chính giới Mỹ lấy cớ tấn công ra miền Bắc Việt Nam, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại.
Cho nên, dù có rất nhiều danh xưng được dành cho Đại tướng, nhưng riêng danh xưng “Đại tướng của Hòa bình” là do chính ông tự nhận khi trả lời câu hỏi của một người nước ngoài, để nêu rõ mục tiêu của dân tộc Việt Nam khi phải thực hiện chiến tranh để bảo vệ những giá trị thiêng liêng của mình: “Độc lập, tự do”, cũng là những giá trị mà tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình đều hướng tới. Nói theo một thành ngữ của phương Tây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được đứng trên vai những người khổng lồ, được thừa hưởng và tiếp thu những giá trị mà tiền nhân đã tạo dựng. Chiến công hiển hách của Đại tướng sẽ được lưu truyền mãi mãi trong sử sách dân tộc, đức độ của Đại tướng sẽ thu phục lòng tin yêu của người dân.
Nhiều người đánh giá rằng sự ra đi của Đại tướng không những làm cho toàn bộ người dân Việt Nam tiếc thương mà còn có tác dụng thức tỉnh lương tri trong tình hình xã hội hiện nay, đặc biệt là đối với “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất”. Tấm gương của Đại tướng cũng như tình cảm của người dân đối với Đại tướng làm cho chúng ta cảm động và chắc cũng làm cho “cái bộ phận không nhỏ” phải suy nghĩ. Nó càng cho thấy lòng dân là thước đo phẩm chất đối với những con người đã dấn thân vào sự nghiệp chính trị, nó là cái kính chiếu để phân biệt tốt - xấu...
DƯƠNG TRUNG QUỐC