Những ngày qua, dư luận liên tiếp xôn xao về những vụ vi phạm quyền tác giả thơ. Hành vi lấy tác phẩm của người khác rồi sửa chút ít, công bố là tác phẩm của mình rõ ràng đã vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan. Đây cũng là hành vi ăn cắp, đáng xấu hổ và phải bị xử lý, thậm chí là xử lý bằng pháp luật.
Còn nhớ một vụ tranh chấp quyền tác giả từ 11 năm trước đã khiến vấn đề bảo vệ quyền tác giả bắt đầu được đặt ra nghiêm túc và cẩn trọng ở nước ta. Đó là vụ một nhạc sĩ đã thành danh bị chính người bạn bị thương tật liệt nửa người, viết nhạc nghiệp dư, kiện tranh chấp quyền tác giả bài hát “Mê khúc”. Tháng 12-2004, Ban kiểm tra của Hội Âm nhạc đã họp để xem xét làm sáng tỏ ai là tác giả của bài hát này. Với sự thẩm định sáng suốt, thuyết phục của các nhạc sĩ trong Ban kiểm tra, cuối cùng người nhạc sĩ bị kiện đành phải xấu hổ thừa nhận mình không phải là tác giả hay đồng tác giả bài hát “Mê khúc”. Ban kiểm tra đã đưa sự việc này ra công luận, trả lại tác quyền cho người sáng tác “Mê khúc”. “Mê khúc” trở thành một điển tích, một bài học cay đắng cho việc xâm phạm quyền tác giả, một câu chuyện buồn về tình bạn, tình người, tình đời.
Năm 2005, quyền tác giả và quyền liên quan đã được quy định và bảo hộ tại Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ. Tiếp đó, năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 100/NĐ-CP/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự Luật Sở hữu trí tuệ về vấn đề này.
Thế nhưng, mặc dù pháp luật đã quy định rất chi tiết để bảo vệ các sáng tạo tinh thần có tính chất văn hóa, trong 10 năm qua vẫn tiếp tục có rất nhiều vụ xâm phạm quyền tác giả. Nhiều album ca nhạc, phim truyện chưa phát hành đã bị kẻ cắp in sang lậu bán ra thị trường. Bài thơ, bản nhạc, bức ảnh nghệ thuật mới được tác giả đưa lên mạng xã hội liền bị kẻ cắp mang về “xào nấu” biến thành của mình. Vì sao như vậy? Nhiều người xâm phạm quyền tác giả vì háo danh, vì hám lợi, muốn chiếm đoạt tác phẩm của người khác thay vì phải làm ra bằng công sức, trí tuệ, cảm xúc của mình. Trong thời công nghệ thông tin, việc công bố, phổ biến các tác phẩm văn học - nghệ thuật khá dễ dàng, đơn giản, nên việc ăn cắp bản quyền cũng dễ dàng, đơn giản. Ngoài ra, việc ngang nhiên xâm phạm quyền tác giả còn do thiếu lòng tự trọng và thói quen xấu đã hình thành ở nhiều người ngay từ thời còn ngồi ở ghế nhà trường. Thói quen làm văn theo bài văn mẫu đã khiến người ta quen xem việc sao chép văn của người khác là bình thường. Đến khi học đại học, thậm chí sau đại học, nhiều người xem việc “xào” luận án, chiếm dụng công trình nghiên cứu của người khác cũng là bình thường, không có gì phải xấu hổ. Tình trạng đó thật đáng lo ngại, vì là sự sa sút trầm trọng về đạo đức, ý thức, nhân cách và lòng tự trọng.
Ngày nay, tòa soạn các báo và biên tập viên các nhà xuất bản luôn phải đau đầu với việc kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn những trường hợp lấy cắp tác phẩm báo chí và tác phẩm văn học rồi gửi đến để đăng, phát hành vi phạm bản quyền. Thậm chí có những người kiếm thu nhập bằng cách chuyên gửi bài cộng tác với các báo, nhưng không tự viết, mà... lấy cắp bài đã đăng ở các báo ngành, địa phương. Khi bị tòa soạn phát hiện thì họ cũng chỉ bị “cấm cửa” không đăng bài họ gửi đến nữa. Trong khi những kẻ cắp chiếc xe máy bị xử tù, lại chưa thấy những kẻ cắp tác phẩm của người khác như vậy bị xử lý bằng pháp luật nên chưa đủ sức răn đe. Thực ra, nếu đã là trí thức, văn nghệ sĩ thì đâu cần đến lúc bị xử lý bằng pháp luật mới thấy e dè; khi bị phát hiện, chê trách, cũng đã thấy lòng tự trọng bị tổn thương nặng nề lắm chứ!
Để ngăn chặn tình trạng xâm phạm quyền tác giả, rất cần thực thi thật nghiêm các quy định pháp luật đã có. Các tác giả cũng cần chủ động thực hiện các giải pháp hữu ích để tác phẩm của mình được bảo hộ bản quyền tác phẩm tại Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật. Đồng thời, các tác giả cần ý thức thực thi quyền tự bảo vệ, quyền khiếu nại tố cáo và quyền khởi kiện dân sự khi quyền tác giả và quyền liên quan bị xâm phạm, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và không dung túng cho nạn xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan. Bộ GD-ĐT cũng cần quan tâm giáo dục cho học sinh về ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, có lòng tự trọng và kiến thức pháp luật để không xâm phạm tài sản sở hữu trí tuệ của người khác ở bất kỳ dạng thức nào.
HUỲNH THANH LUÂN