Đến nay Luật Cư trú được thực hiện gần 3 năm (có hiệu lực từ ngày 1-7-2007), đã bộc lộ nhiều kẽ hở, bất cập, ảnh hưởng xấu đến quản lý nhân hộ khẩu, tình hình an ninh trật tự tại TPHCM.
- Nhà 5m², bảo lãnh... 103 người nhập hộ khẩu !?
Nhà bà Nguyễn Xuân Hà, 49 tuổi, ngụ tại số nhà 334/64 đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh ở gần khu nghĩa địa sắp giải tỏa nhưng rất đông người lao động cư trú. Căn nhà bà chỉ 5m² nhưng có tới 8 người đang cư ngụ: hai vợ chồng bà, 2 người con, một người em, một con rể và 2 cháu ngoại.
Diện tích chật hẹp như vậy nhưng bà Hà lại đứng tên bảo lãnh tới … 23 hộ với 103 nhân khẩu nhập hộ khẩu vào nhà mình. Việc bảo lãnh kỳ cục này khiến Công an quận Bình Thạnh phải đau đầu trong suốt thời gian qua.
Tôi hỏi bà Hà: “Vì sao nhà nhỏ xíu như vầy mà bà lại đứng tên bảo lãnh cho hơn 100 người nhập hộ khẩu vào?”. Bà Hà đáp: “Vì người ta cứ… năn nỉ tôi bảo lãnh giúp. Tới bây giờ vẫn còn nhiều người đang nhờ. Hơn nữa, tôi thấy Luật Cư trú cho phép người dân bảo lãnh mà…”. Tôi hỏi tiếp: “Vậy khi bà bảo lãnh, người ta có “trả ơn” bà không?”. Bà Hà thừa nhận: “Có chứ, nếu tôi nói là không thì thật khó tin…”.
Khi hỏi, bảo lãnh cho hơn 100 người nhập hộ khẩu vào nhà mình, bà có nhớ mặt từng người và có biết hiện nay họ ở đâu không, thì bà Hà lắc đầu: “Làm sao mà tôi nhớ hết mặt từng người và càng không thể biết họ tứ tán đi đâu, chỉ biết hiện có vài người đang sống tại khu nghĩa địa gần đây…”. Tôi lại hỏi: “Sắp tới bà có bảo lãnh cho ai nữa không?”. Bà Hà cho biết: “Nhiều người đang nhờ tôi bảo lãnh tiếp, tôi bảo họ nếu công an cho phép thì tôi… OK ngay!”.
- Khó quản lý nhân, hộ khẩu
Luật Cư trú quá thoáng, có kẽ hở, đã vô tình đẩy chính quyền địa phương vào tình thế quản lý nhân, hộ khẩu… “trên giấy”.
Đại úy Nguyễn Hoàng Sơn, cảnh sát khu vực, Công an phường 12, quận Bình Thạnh, cho biết: “Có người ở địa phương trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự, nhưng khi có giấy gọi nhập ngũ thì không biết họ ở đâu …”. Khi vận động người có tên trong hộ khẩu tham gia các phong trào thi đua, làm nghĩa vụ với địa phương và đóng góp các khoản công ích xã hội … lại phát hiện chỉ có tên trên giấy chứ không có người thật!
Gần đây, do việc khai báo đăng ký tạm trú, tạm vắng có phần nới lỏng cũng như không còn thực hiện quy định xóa tên trong hộ khẩu với những ai không có mặt tại địa phương 6 tháng, nên đã phát sinh tình trạng “người một nơi, hộ khẩu một nẻo”. Đáng nói, trước đây Chỉ thị 32 của UBND TPHCM quy định diện tích nhà ở phải đảm bảo 8m²/người thì mới được nhập hộ khẩu, nay Luật Cư trú bãi bỏ quy định này nên đã phát sinh tình trạng bảo lãnh vô tội vạ.
Ở quận Bình Thạnh, chỉ 1 năm kể từ 1-7-2007 đến tháng 1-7-2008, đã nhập hộ khẩu cho 4.107 hộ với khoảng 50.000 người, trong đó có 2.581 hộ với gần 14.000 người nhập hộ khẩu theo Luật Cư trú. Riêng từ năm 2009 đến nay, Công an quận Bình Thạnh đã giải quyết 1.552 hộ với 5.643 nhân khẩu nhập hộ khẩu vào TP, hiện mỗi ngày giải quyết 100-230 hồ sơ nhập hộ khẩu. Tại quận Tân Bình, công an cũng đã nhập hộ khẩu cho hơn 50.000 người, hiện nhu cầu nhập hộ khẩu vẫn còn nhiều.
Do Luật Cư trú với những quy định được nới lỏng nên sau gần 3 năm thực hiện, đã có hơn 300.000 người từ các tỉnh được nhập hộ khẩu vào TPHCM. Hiện TP quản lý hơn 2 triệu người đang thuê nhà ở tại các khu nhà trọ và hàng trăm ngàn trường hợp khác chưa có hồ sơ quản lý nhưng có nhu cầu nhập khẩu vào TP. Và do Luật Cư trú được nới lỏng như vậy nên đã gây những bất cập trong công tác quản lý địa bàn và trật tự xã hội có chiều hướng phức tạp hơn.
Trước tình trạng này, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công an làm đầu mối, rà soát lại những bất cập phát sinh để trình Quốc hội và Chính phủ sớm điều chỉnh, giúp việc quản lý nhân, hộ khẩu tốt hơn. Bộ Công an cũng đề nghị Chính phủ cho phép xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về cư trú để việc quản lý nhân, hộ khẩu chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế
MINH NGỌC