Luật hóa việc thăng cấp Tướng công an trước thời hạn

Chính phủ đề xuất bổ sung vào Luật Công an nhân dân sửa đổi quy định "Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác".
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân

Sáng 27-5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND). Bên cạnh yêu cầu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, dự luật sửa đổi còn nhằm khắc phục một số vướng mắc bất cập trong quá trình thực thi luật hiện hành.

Cụ thể, Chính phủ cho biết, Bộ luật Lao động năm 2019, sau khi sửa đổi, đã điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Điều này khiến khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ, chiến sĩ CAND với người lao động tăng lên.

Vì thế, trên cơ sở quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, với tính chất đặc thù của lực lượng CAND, Chính phủ thấy cần sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, CAND tại Luật CAND cho phù hợp.

Theo đó, ở lần sửa đổi này, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp Tướng vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.

Thời gian tăng tuổi theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình trên.

Liên quan đến việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác, Chính phủ thông tin, nội dung này đã được quy định trong Luật CAND năm 2018 nhưng chưa cụ thể nên việc áp dụng còn khó khăn, bất cập.

Để tháo gỡ, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã ban hành quy định về việc thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn. Tuy nhiên, theo Chính phủ, văn bản này không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên việc luật hóa quy định nêu trên là cần thiết.

Về quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND, Chính phủ cho biết, Luật hiện hành mới chỉ quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng (1 Đại tướng, 6 Thượng tướng, 35 Trung tướng, 157 Thiếu tướng), các vị trí khác chưa được quy định hoặc mới quy định trên cơ sở nguyên tắc nên thực tiễn thi hành Luật gặp khó khăn, vướng mắc.

Mặt khác, triển khai thi hành Luật CAND và các văn bản liên quan, tổ chức bộ máy các cấp công an đã được đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ Công an không còn tổ chức đơn vị cấp tổng cục, chỉ tổ chức đơn vị cấp cục và tương đương.

Trong đó, hầu hết Thủ trưởng các đơn vị cấp Cục và tương đương có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng nhưng vẫn còn Thủ trưởng của một số đơn vị tương đương cấp Cục chưa được quy định có trần cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng tạo ra sự thiếu đồng bộ, thống nhất trong quy định về cấp bậc hàm đối với các chức vụ, chức danh.

Cạnh đó, theo quy định tại khoản 4, điều 25, Luật CAND, Trưởng phòng và tương đương ở đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu, Trưởng phòng nghiệp vụ, Trưởng Công an quận thuộc Công an thành phố Hà Nội, Công an TPHCM được thăng cấp bậc hàm Đại tá.

Trong khi Trung đoàn Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, không quân, bảo vệ mục tiêu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Công an thành phố Hà Nội, Công an TPHCM là các đơn vị vũ trang tập trung, quân số đông, tương đương cấp Phòng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội nhưng mới chỉ được quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá là chưa phù hợp với vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của các đơn vị này.

Tương tự, bậc hàm cao nhất với Trưởng Công an thành phố Thủ Đức cũng được Chính phủ nhận định chưa phù hợp với tính chất, vị trí của đơn vị này.

Từ các bất cập trên, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định "Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác".

Việc bổ sung nội dung này nhằm xác định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác để làm căn cứ đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn.

Chính phủ cũng đề xuất bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.

Tin cùng chuyên mục