Ngày 22-8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung sau sự cố vi phạm pháp luật môi trường của Formosa. Nhưng chắc chắn, phải còn rất lâu nữa, những tác động lâu dài của vụ việc này mới được khắc phục hoàn toàn. Và tới đây, các chuyên gia về môi trường cảnh báo, khi thúc đẩy công nghiệp chế biến sâu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, Việt Nam sẽ tiếp tục phải giải quyết những vấn đề môi sinh - môi trường hóc búa hơn, vốn chưa từng được đặt ra khi chỉ đóng vai trò nhà lắp ráp, gia công.
Thực sự đây là vấn đề nan giải đặt ra cho cơ quan có trách nhiệm xét duyệt các dự án đầu tư; nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn ở mức độ khiêm tốn, trình độ nhân lực cũng chưa quá vượt trội, khó có thể đòi hỏi hay chỉ chấp nhận các công nghệ “đỉnh cao”. Không chỉ công nghiệp gang thép, những cảnh báo tương tự cũng đã được đưa ra đối với một số lĩnh vực đầu tư khác mà sắp tới Việt Nam sẽ phát triển để đón đầu xu thế hội nhập nói chung và khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nói riêng, như dệt nhuộm, da giày, sản xuất thiết bị điện tử. Thuốc nhuộm càng bền, đẹp thì càng khó phân hủy.
Điện tử là ngành công nghệ cao, nhưng sử dụng nhiều hóa chất đặc biệt - thành tựu của việc nghiên cứu các hợp chất hóa học mới, thường là hợp chất hữu cơ có cấu trúc đặc biệt. Các loại hóa chất này có khả năng gây bệnh mãn tính cho những công nhân tiếp xúc và cũng tồn tại rất bền vững trong môi trường, đe dọa đến tính mạng, đến tương lai của các thế hệ kế tiếp, đến sức khỏe và đến chất lượng cuộc sống.
Do đó, một nguyên tắc rất quan trọng trong phát triển nói chung là phải hiểu và kiểm soát được các nguy hiểm trong quá trình phát triển. Muốn vậy, yếu tố đầu tiên là phải xây dựng được khung pháp luật đầy đủ và chế tài xử phạt công bằng, nghiêm khắc; nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Giống như cánh tay thứ hai để hoàn thành được nhiệm vụ, quá trình phát triển luôn đòi hỏi lương tâm và trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư.
Một trong những biểu hiện cụ thể của lương tâm ấy chính là sự minh bạch thông tin và ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng. Chuyên gia hóa học, PGS-TS Bùi Thị An nhìn nhận, công bố trong chất thải của quá tình sản xuất có những chất gì đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có nguy cơ bị lộ bí mật công nghệ, song, một doanh nghiệp có trách nhiệm vẫn phải công khai những thông tin liên quan đến môi trường và an toàn ở mức độ đủ giữ được bí mật kinh doanh, nhưng cũng đủ để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và môi trường, đủ để xây dựng các kịch bản hiệu quả xử lý trong trường hợp vận hành bình thường và ứng phó khẩn cấp khi xảy ra sự cố. Đó là chưa kể những hoạt động có tính chất tự nguyện nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, đóng góp cho cộng đồng và toàn xã hội, theo những hình thức đôi bên cùng có lợi. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), chỉ có 36% công ty được hỏi trả lời có bộ phận giám sát thực hiện trách nhiệm xã hội; có 28% doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc bảo vệ môi trường và chỉ có 5% cho biết đã có đóng góp cho hoạt động chăm sóc y tế cộng đồng. Các nhà nghiên cứu của CIEM cho hay, đòi hỏi thực thi trách nhiệm xã hội là thách thức, trong điều kiện có tới 97% - 98% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa; đang cố gắng xoay xở để tiết kiệm tối đa chi phí.
Tuy thế, nâng cao trách nhiệm xã hội là yêu cầu bắt buộc trong thời kỳ hội nhập. Những thỏa thuận kinh tế, thương mại thế hệ mới ngày càng quy định cụ thể hơn vấn đề này. Nói như ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty Giấy Sài Gòn: “Khi vào TPP, chắc chắn doanh nghiệp nước ngoài khi qua Việt Nam làm ăn sẽ đặt ra yêu cầu đầu tiên về trách nhiệm xã hội. Đó là khoản đầu tư lâu dài, mang lại hiệu quả bền vững”.
Mà nếu không làm thế, doanh nghiệp gần như chắc chắn sẽ bị người tiêu dùng quay lưng. Báo cáo mới nhất của Công ty Khảo sát thị trường Nielsen Việt Nam về trách nhiệm xã hội tiến hành với hơn 30.000 người tiêu dùng tại 60 quốc gia cho biết, ngay tại Việt Nam, 86% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm và dịch vụ đến từ các công ty có cam kết phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường. Đáng ngạc nhiên, đây là tỷ lệ vào loại cao nhất thế giới. Tỷ lệ trung bình tại Đông Nam Á là 80%; trong đó Philippines là 83%, Thái Lan là 79%, Indonesia là 78%...
ANH THƯ