Lúng túng dán nhãn 18+

Đài Truyền hình Việt Nam lần đầu dán nhãn 18+ cho phim truyền hình Quỳnh búp bê, sau đó tạm dừng chiếu.
 Câu chuyện này một lần nữa khơi lại những băn khoăn lâu nay của dư luận xung quanh việc thiếu cảnh báo cho nội dung phim nhạy cảm trên sóng truyền hình quốc gia, nhất là trong khung giờ vàng.
Sau 4 tập lên sóng và nhận nhiều ý kiến phản hồi của khán giả, nhà đài quyết định đăng tải nội dung cảnh báo: “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem” trước khi phát tập 5 và 6. Đây là phim đầu tiên trên sóng truyền hình quốc gia được dán nhãn 18+.
Quỳnh búp bê của NSƯT, đạo diễn Mai Hồng Phong do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, phản ánh trực diện vào đời sống, góc khuất và những thân phận giới mại dâm. Ngay khi ra mắt báo giới, những cảnh tra tấn, hình ảnh cũng như ngôn ngữ được cho khá gai góc và nhạy cảm khi đưa phim vào khung giờ vàng trên VTV1 vào 20 giờ 45 thứ năm và thứ sáu hàng tuần. Không ngoài dự đoán, ngay khi tập đầu tiên phát sóng, dư luận bắt đầu chia 2 luồng ý kiến rõ rệt.
Một số ủng hộ phim vì Quỳnh búp bê không né tránh sự thật táo bạo về giới mại dâm, ngôn ngữ mạnh và rất đời sống. Tuy nhiên, không ít người cho rằng phim quá bạo lực với hình ảnh tra tấn, cảnh nóng và ngôn ngữ trực diện, thậm chí nhiều người không dám xem phim. Sự phản ứng này không phải vô căn cứ, bởi khung giờ này tác động tới nhiều đối tượng khán giả khác nhau trong khi chưa có phương pháp kiểm soát.
Rõ ràng quyết định phát sóng phim có nội dung nhạy cảm trong khung giờ vàng của truyền hình quốc gia chưa được xem xét thấu đáo, nhà đài chưa đo được phản ứng dư luận nên việc tạm dừng chiếu Quỳnh búp bê là điều khó tránh khỏi. Tạm dừng không có nghĩa là cấm chiếu, là đặt dấu chấm hết cho một bộ phim, nhưng rõ ràng nhà đài và nhà sản xuất không thể bỏ ngoài tai sự lo lắng của dư luận.
Điện ảnh Việt Nam sau nhiều năm không giống ai, đã có được hệ thống phân loại phim theo chuẩn quốc tế, cao nhất là dán nhãn 18+ khi ra rạp. Riêng lĩnh vực truyền hình lâu nay có vẻ bị bỏ ngỏ chuyện dán nhãn. Không phải tới Quỳnh búp bê mà phim truyền hình Mỹ Sex and the city từng bị VTV ngừng chiếu vì những chi tiết và hình ảnh nhạy cảm. Một số phim có nhiều hình ảnh gây tranh cãi, trong đó có Người phán xử, cũng vấp phải luồng dư luận khi cho rằng phim bạo lực và không phù hợp phát sóng trên truyền hình. 
Việc dán nhãn phân loại độ tuổi người xem thực tế được quy định trong một số nghị định của Chính phủ, trong Thông tư 09/2017/TT-BTTT hướng dẫn do Bộ TT-TT ban hành, có hiệu lực từ tháng 10-2017. Theo đó, các cơ quan báo chí và nhà đài phải cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình và xuất bản phẩm. Tuy nhiên, quy định lại khá mơ hồ khi không đề cập đến phim truyền hình, vì thế mới có chuyện, phim có cảnh nhạy cảm đôi khi vẫn được tặc lưỡi cho qua, lên sóng. Quỳnh búp bê là trường hợp đầu tiên nhà đài dán nhãn 18+ sau khi tiếp nhận phản hồi và sau đó là quyết định tạm dừng phát sóng, chờ điều chỉnh. 
Thực tế nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp từ lâu sở hữu hệ thống phân loại phim minh bạch và phù hợp. Chẳng hạn, với các phim điện ảnh chiếu rạp sau khi lên sóng truyền hình đều có cảnh báo độ tuổi. Phim truyền hình có nội dung nhạy cảm đều phải chiếu ở khung giờ muộn sau 22 giờ. Ở một số quốc gia, phim có nội dung nhạy cảm chỉ chiếu trên một số kênh thuê bao, kèm thêm phương án bảo mật và xác định danh tính người xem. Đó là những quy định thông thoáng nhưng dựa trên hệ thống phân loại và kiểm soát hợp lý, chặt chẽ.
Nhìn lại trường hợp của Quỳnh búp bê, đành rằng không phải cảnh nào, tập nào cũng đầy rẫy hình ảnh nhạy cảm, tuy nhiên việc thiếu cảnh báo và dán nhãn ngay từ đầu, cộng với sự lựa chọn khung giờ chiếu chưa phù hợp góp phần đẩy bộ phim tới việc phải tạm dừng chiếu. Chưa nói tới hình ảnh nhạy cảm, chỉ tính tới nội dung về đề tài mại dâm và buôn bán phụ nữ đủ để nhà đài bắt buộc cảnh báo khán giả. Nhà sản xuất có thể điều chỉnh nội dung cho phù hợp với tính chất phổ biến rộng của phim truyền hình, đồng thời điều chỉnh khung giờ phát sóng để không đẩy một bộ phim vào con đường dang dở. Số phận trắc trở của Quỳnh búp bê có thể là dịp để nhà đài nghiêm túc xem xét lại hệ thống phân loại, cảnh báo chương trình và phim truyền hình trên sóng quốc gia. Những điều chỉnh muộn còn hơn không và tất cả đều hướng tới sự hài hòa lợi ích của nhà đài, nhà sản xuất và trên hết là lợi ích của khán giả. 

Tin cùng chuyên mục