Ly hôn chồng ngoại - Vấn nạn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

“1.001 lý do” chia tay
Ly hôn chồng ngoại - Vấn nạn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

Sau một thời gian dấy lên “phong trào” lấy chồng nước ngoài để được đổi đời của hàng loạt thôn nữ ở ĐBSCL, một thực trạng đang diễn ra khi các chị em ôm con về nước và ly hôn chồng ngoại ngày càng nhiều...

Cái chết của cô dâu người Việt Võ Thị Minh Phương (Hậu Giang) xảy ra vào tháng 11-2012 đã góp phần cảnh tỉnh nhiều cô gái miền Tây.

Cái chết của cô dâu người Việt Võ Thị Minh Phương (Hậu Giang) xảy ra vào tháng 11-2012 đã góp phần cảnh tỉnh nhiều cô gái miền Tây.

“1.001 lý do” chia tay

Chúng tôi về xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, nơi có “phong trào” lấy chồng ngoại quốc suốt nhiều năm qua và chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng của những thôn nữ vỡ mộng “giấc mơ chồng ngoại”. Ông Trần Văn Quen, cán bộ tư pháp xã Vị Thắng, thống kê: “Từ năm 1999 đến nay, xã có gần 230 phụ nữ lấy chồng ngoại (đa số là người Đài Loan và Hàn Quốc, khoảng đầu năm 2013 mới có hiện tượng lấy chồng Trung Quốc). Nhưng bây giờ số lượng chị em ly hôn chồng ngoại tăng lên đáng kể, kéo theo nhiều hệ lụy, khiến các cấp chính quyền địa phương lúng túng trong khâu giải quyết hậu ly hôn…”. 

Dân địa phương khó ngờ rằng T.T.N.G. (23 tuổi, ấp 9 xã Vị Thắng), vừa lấy chồng người Trung Quốc hồi tháng 4-2013 nhưng nay lại phải làm thủ tục ly hôn. Khoảng 1 tháng trước, G. từ Trung Quốc trốn thoát khỏi nhà chồng, tìm đường về Việt Nam. Vừa về đến nhà ba mẹ ruột tại xã Vị Thắng, G. đã ôm chầm lấy người thân khóc nức nở.

Viễn cảnh lấy chồng nước ngoài để được đổi đời, có điều kiện giúp cha mẹ ở quê nhà tan vỡ trong cô, vì nhà chồng ở vùng hẻo lánh của Trung Quốc còn khó khăn hơn các hộ thuộc diện nghèo ở Việt Nam. Ở nhà chồng mấy tháng trời, ăn rau nhiều hơn ăn cơm. Cuộc sống quá khổ sở, phải đến lần trốn thứ hai, G. mới thoát về được. G. nói với người thân rằng: “Nếu không trốn được, con sẽ tự tử”. Hay như trường hợp trắc trở của cuộc hôn nhân với người chồng Hàn Quốc của cô gái hương đồng cỏ nội C.T.D. (26 tuổi, ở ấp 10, xã Vị Thắng).

Trước cảnh nghèo khó của gia đình, D. quyết định nghỉ học theo mai mối lên TPHCM tìm chồng Hàn Quốc với mong ước kiếm tiền về báo hiếu cha mẹ. Thế nhưng, từ khi đặt chân sang Hàn Quốc, cuộc đời cô thật nghiệt ngã. Không thể chịu đựng được sự hành hạ, đánh đập, sỉ vả, khinh miệt của chồng và mẹ chồng, D. ôm con nhỏ trốn về Việt Nam.

Hôm chúng tôi đến cũng là lúc D. đang liên hệ với chính quyền địa phương xác nhận hồ sơ để đi xin việc làm. Nhắc lại chuyện cũ, D. bộc bạch: “Do bất đồng văn hóa, ngôn ngữ, em hiểu rất ít những gì chồng và gia đình chồng nói. Từ đó, mâu thuẫn vợ chồng liên tục xảy ra. Không cần nghe vợ lý giải, chồng em luôn bênh mẹ ruột, đánh đập vợ… Khổ quá, em phải tự tìm cách giải thoát, nhưng không thể bỏ con thơ nên chỉ còn cách ôm con trốn về quê ngoại, chờ làm thủ tục ly hôn”…

Hoàn cảnh gia đình thuộc loại khá giả ở địa phương nhưng qua quen biết, chị T.T.N. tổ chức đám cưới với người chồng quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) tên Tseng Chin Fu, đăng ký kết hôn vào cuối năm 2007 tại Hậu Giang. Chung sống khoảng 1 tháng thì người chồng về Đài Loan để lo bảo lãnh vợ. Đến nay đã gần 7 năm, chị N. đợi chờ trong vô vọng.

Mới đây, qua liên lạc, ông chồng cho biết không có tiền để rước vợ sang Đài Loan chung sống và đồng ý “trả” tự do cho vợ… Đáng lo ngại, tình trạng này đang diễn ra phổ biến ở ĐBSCL, khiến các cơ quan chức năng nhận định: Đây là một hình thức du lịch sex…

Trăm đường rắc rối

Mối lo lớn nhất hiện nay là chính quyền địa phương đang lúng túng trước việc ngày càng nhiều trẻ con lai theo mẹ về nước nhưng vẫn còn mang quốc tịch nước ngoài, bị hạn chế nhiều quyền lợi nhưng chưa có chính sách giải quyết rõ ràng. “

Xã Vị Thắng hiện có 11 đứa trẻ là con lai, đa số mang quốc tịch Hàn Quốc, Đài Loan. Địa phương phải “linh hoạt” tạo điều kiện cho các cháu đi học. Nhưng các cháu không có hộ khẩu, không phải là công dân Việt Nam nên các quyền lợi về bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn… bị hạn chế”, ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, nói.

Trường hợp của chị T.T.M.T. (xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là một điển hình. Năm 2009, nhờ mai mối, T.T.M.T. lấy chồng người Hàn Quốc. Không chịu nổi mẹ chồng hà khắc  T.T.M.T. mua vé máy bay đưa con về quê nhà. Hiện nay, người chồng của T. đã làm thủ tục ly hôn ở Hàn Quốc và cưới vợ khác người Cần Thơ. “Thế nhưng cuối năm 2009, tôi làm thủ tục ly hôn thì tòa trả hồ sơ… nên tôi bỏ luôn tới nay. Lo nhất là con gái tôi hiện nay đã học lớp 1 tại địa phương nhưng không được nhập hộ khẩu nên không biết nhà nước có cho học tiếp không?”.

Tình trạng này đang xảy ra tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL có nhiều phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Mỗi địa phương có từ vài chục đến vài trăm đứa trẻ là con lai, đa số mang quốc tịch Đài Loan, Hàn Quốc nhưng đang sinh sống ở Việt Nam. Một cán bộ ngành tư pháp Cần Thơ nhìn nhận: Thật sự địa phương hết sức tạo điều kiện cho các trẻ em này nhưng thực tế vẫn bị hạn chế quyền lợi so với trẻ em Việt Nam; cần có chính sách cụ thể rõ ràng hơn cho những đối tượng này.

Ông Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thắng, nhìn nhận: “Phần lớn chị em lấy chồng ngoại có trình độ học vấn thấp, không việc làm, do kinh tế khó khăn, muốn thoát nghèo… Nhiều trường hợp, cưới xong gia đình nhà gái chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu đồng nhưng họ vẫn chấp nhận, với hy vọng ra nước ngoài làm việc kiếm được tiền gởi về. Mấy chị em khi về kể lại rằng, chồng họ lấy vợ giống như mua người ở để làm việc nhà, chứ không cho tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Trước tình cảnh này, thật sự thấy xót cho thân phận phụ nữ quê mình nhiều lắm…”.

Từ năm 2012, nhờ nguồn viện trợ của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn Việt Nam (UNHCR), Câu lạc bộ Bình đẳng giới và hôn nhân gia đình xã Vị Thắng đã hỗ trợ 6 chị em (8 triệu đồng/trường hợp) có nguồn vốn để mưu sinh, lập nghiệp ở quê hương sau đổ vỡ từ những cuộc hôn nhân với chồng ngoại.

3 năm qua, TAND tỉnh Hậu Giang đã thụ lý, xét xử hơn 300 vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Tình trạng này cũng đang xảy ra với các địa phương có nhiều phụ nữ lấy chồng ngoại như Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng… Một cán bộ TAND Hậu Giang nói: Phần lớn các vụ án đều do vợ đứng tên xin ly hôn theo hình thức đơn phương và đang có chiều hướng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn như bị hành hạ, ngược đãi, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, không sinh được con, quá cực khổ nơi xứ người, chồng không bảo lãnh… và thậm chí có trường hợp muốn sớm ly hôn để tiếp tục lấy chồng ngoại khác hoặc trốn về nước vì phải “làm vợ” nhiều người trong một gia đình (lý do này không nói trong đơn ly hôn).

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục