“Ma trận” hàng giả thương hiệu nổi tiếng

Hiện có đến 95% hàng mang thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đang được bày bán tại hệ thống kênh phân phối truyền thống (gồm các chợ sỉ và lẻ, trên vỉa hè, trang thương mại điện tử) với danh nghĩa hàng xách tay, nhưng đều là hàng giả. Đó là khẳng định của các doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Lực lượng QLTT TPHCM tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm giả
Lực lượng QLTT TPHCM tiêu hủy hàng ngàn sản phẩm giả
Rao mác xách tay 

Từ đầu năm 2018 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện nhiều vụ hàng nhập lậu. Qua kiểm tra 708 vụ, tạm giữ 182.139kg thực phẩm, vải, hóa chất, hạt nhựa, dược liệu, nầm heo; 1.146 lít rượu trắng, nước dâu tằm, dầu DO, hóa chất; 1.876m vải, cáp thép thang máy; 32.304 viên tân dược, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và 708.169 đơn vị sản phẩm các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, mắt kính, đồ chơi trẻ em, đồng hồ đeo tay, phụ tùng ô tô, phụ tùng xe đạp điện… Riêng với hàng giả, kiểm tra 379 vụ, tạm giữ 51.147 đơn vị sản phẩm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, ví, túi xách, phụ tùng xe máy...

Điều đáng nói, những sản phẩm giả thương hiệu nổi tiếng vốn đang được bảo hộ trên toàn cầu lại chiếm đa số. Cụ thể, đồng hồ giả mạo các thương hiệu Longines, Rolex, Omega, Patek Philippe, Dior, Chanel, Gucci… Quần áo, giày dép, ví, túi xách, mắt kính, dây nịt giả mạo nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton, Lacoste, Burberry, Nike, Adidas, CK, Gucci, Hermes, Montblanc… Mỹ phẩm giả nhãn hiệu Lore’al, Chanel… Lý giải thực tế trên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, những thương hiệu trên vốn đã rất nổi tiếng từ lâu trên toàn cầu và hiện người tiêu dùng Việt Nam cũng rất ưa chuộng do có thu nhập ngày càng cao. Lợi dụng tâm lý này, những cơ sở sản xuất hàng giả hoặc nhập lậu hàng giả qua đường tiểu ngạch thường chọn những nhãn hàng mang thương hiệu nổi tiếng để đáp ứng tâm lý người tiêu dùng nội địa. Cách thức tiếp cận người mua cũng được các đối tượng này biến đổi khôn lường dưới dạng hàng xách tay, hàng ký gởi… Thậm chí, trên các trang chủ thương mại điện tử cũng công khai chào mời mua… hàng giả bằng hình thức quảng bá tương tự. Còn với cơ sở sản xuất hàng giả, để có thể trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, họ thường chia nhỏ công đoạn sản xuất và phân ra nhiều địa điểm khác nhau để thực hiện. Sau đó, giao nhận hàng theo hình thức cuốn chiếu nên rất khó để các cơ quan chức năng có thể kiểm tra, phát hiện và xử lý ngay tại gốc. 

Chế tài còn quá nhẹ

Đại diện Công ty Lacoste tại Việt Nam bức xúc, có thời điểm công ty phối hợp với các đơn vị chức năng phát hiện cơ sở sản xuất hàng giả với quy mô rất lớn, lên đến vài ngàn sản phẩm/ngày. Họ không chỉ sản xuất, phân phối ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đại diện doanh nghiệp là đơn vị phân phối cho các thương hiệu chính hãng tại Việt Nam cho biết, trên thực tế không thể có lượng hàng xách tay lên đến vài ngàn sản phẩm và cung ứng trong thời gian ngắn. Bởi quy trình nhập khẩu sản phẩm chính hãng, nhất là mỹ phẩm, dược phẩm có liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng phải trải qua quá trình kiểm tra chuyên ngành, phân tích mẫu… rất chặt chẽ và đòi hỏi cần khoảng thời gian nhất định. Sản phẩm có thương hiệu cao cấp cũng không thể bày bán một cách phổ biến trên thị trường, bởi để được phân phối, đòi hỏi đơn vị phân phối phải đáp ứng yêu cầu nhất định về quy cách trưng bày, bảo quản sản phẩm. Đơn cử với mỹ phẩm Loreal, nhất thiết khu vực trưng bày và bày bán phải đảm bảo nhiệt độ lạnh nhất định, ánh sáng phù hợp... Và với tiêu chuẩn này, chỉ có hệ thống kênh bán hàng hiện đại, siêu thị, trung tâm thương mại mới đủ khả năng đáp ứng. Do đó, với những sản phẩm đang bày bán tràn lan tại các chợ sỉ và lẻ ở nhiều tỉnh thành đều là hàng giả thương hiệu.
 
Việc ngăn chặn sản xuất và buôn bán hàng gian, hàng giả là cần thiết. Đại diện thương hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng hiện đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm trên thị trường để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, phải thấy rằng, biện pháp chế tài tại nước ta còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm. Phổ biến nhất là xử lý bằng biện pháp hành chính và tiêu hủy hàng vi phạm. Còn biện pháp chế tài tuy đã có nhưng hầu như chỉ áp dụng cho những trường hợp hàng gian, hàng giả và có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. 

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhấn mạnh trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường thành phố sẽ quyết liệt vào cuộc và xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng gian, hàng giả. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính, xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao uy tín của hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước. Về phía doanh nghiệp, cần tích cực và quyết tâm chống hàng gian, hàng giả; thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, tăng cường giám sát việc tiêu thụ hàng hóa. Không nên coi đây chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Riêng với người tiêu dùng, cũng cần thay đổi nhận thức trong tiêu dùng, mua sắm; không tham gia, tiếp tay cho các hành vi sản xuất kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Có được sự phối hợp chặt chẽ như vậy, tình trạng hàng gian, hàng giả sẽ được hạn chế đáng kể ª

Tin cùng chuyên mục