Trước biến động bất lợi về giá cả, thị trường thời gian qua, ngày hôm qua (24-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ, khẳng định nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả nước là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì sản xuất và an sinh xã hội.
Có 7 nhóm giải pháp được đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu nêu trên, tập trung chủ yếu vào 2 vấn đề nóng bỏng hiện nay: Giải pháp tài chính - tiền tệ (để hạ nhiệt tỷ giá, hiệu ứng gây lạm phát) và giải pháp giảm tổng cầu (để ổn định kinh tế vĩ mô). Có thể nói chưa bao giờ thông điệp của Chính phủ đưa ra mạnh mẽ như vậy: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, mạnh tay cắt giảm đầu tư công.
So với kế hoạch năm 2011 đã thông qua, Chính phủ đã cắt giảm một số chỉ tiêu quan trọng: Đưa tốc độ tăng trưởng tín dụng nền kinh tế từ 23% xuống dưới 20%; đưa tổng phương tiện thanh toán xuống 15% - 16%. Giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 từ 5,3% xuống dưới 5%, đồng thời phấn đấu tăng thu ngân sách 7% - 8% so với dự toán đã được Quốc hội thông qua; giảm tiếp 10% chi tiêu thường xuyên trong các tháng còn lại năm 2011 (không giảm tiền lương và chi chế độ chính sách cho con người). Từ nay tạm dừng trang bị mới xe ô tô, thiết bị văn phòng; không bố trí kinh phí cho những việc chưa thực sự cấp bách và không bổ sung ngân sách ngoài dự toán...
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: “Việc cân đối ngoại tệ ra vào nước ta vẫn có số dư, hoàn toàn có thể đảm bảo thanh khoản, đáp ứng yêu cầu sản xuất - kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối”. Vấn đề đặt ra là phải xóa tan kỳ vọng tỷ giá tăng, tâm lý đầu cơ và củng cố được lòng tin của người dân vào đồng nội tệ. Và với vấn đề này, Chính phủ cũng đã đưa ra giải pháp mạnh: Thông qua Ngân hàng Nhà nước sẽ huy động và sử dụng các nguồn lực để kiểm soát tỷ giá theo quy định, không để thả nổi tỷ giá, không để thị trường chợ đen chi phối tỷ giá.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: “Dứt khoát các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước phải bán tất cả ngoại tệ có được cho Ngân hàng Nhà nước, không găm giữ ngoại tệ gây khó khăn cho đất nước; khi có nhu cầu, các ngân hàng phải đảm bảo bán cho doanh nghiệp theo đúng giá quy định”.
Trong 2 tháng đầu năm 2011, nền kinh tế nước ta diễn biến không thuận bởi các yếu kém nội tại chưa được xử lý kiên quyết, triệt để mà cụ thể là việc tái cơ cấu để nền kinh tế vận hành lành mạnh, không quá dựa vào thâm dụng vốn lớn và lao động giá rẻ.
Bên cạnh đó là tác động ngoại lai bất lợi về giá cả đầu vào gia tăng, thị trường biến động... Tuy nhiên trên thực tế không chỉ có những yếu tố bất lợi. Chưa bao giờ giá cả nông sản - một thế mạnh sản xuất nước ta - trên thế giới tăng cao như hiện nay. Đây là thời điểm vàng để nước ta đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, gia tăng lợi nhuận và cải thiện đời sống nông dân. Làm tốt việc này sẽ có hiệu ứng kép và lợi ích nhiều mặt: gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cân đối ngoại tệ, giảm tình trạng nhập siêu - cũng là một giải pháp gián tiếp ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát.
Với thông điệp mạnh mẽ và giải pháp khá toàn diện của Chính phủ đưa ra trong việc khống chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, đẩy lùi tâm lý đầu cơ trong một bộ phận người dân và một số doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên để chính sách đi vào cuộc sống, có tác động lan tỏa nhanh còn đòi hỏi phải làm thật tốt công tác kiểm soát giá cả, giữ ổn định các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày; triển khai tốt công tác quản lý ngoại hối, thị trường vàng...
Để ổn định cuộc sống đại bộ phận người dân, kiềm chế lạm phát hiệu quả, Nhà nước cũng cần xử lý mạnh tay, chỉ đúng địa chỉ những cá nhân, tổ chức hoạt động đầu cơ, tung tin đồn nhảm, trục lợi đối nghịch với lợi ích cộng đồng.
LÊ TIỀN TUYẾN