Mạnh tay với tài xế nghiện ma túy

Thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên cả nước liên tục phát hiện tình trạng tài xế sử dụng ma túy khiến dư luận vô cùng lo lắng. Dù tỷ lệ  không lớn, nhưng hậu quả để lại từ  những vụ tai nạn giao thông (TNGT) do những lái xe nghiện ngập này gây ra là không nhỏ.

Nỗi lo hiện hữu

Nhiều người chắc hẳn chưa quên vụ xe container tông hàng loạt người đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ tại tỉnh Long An vào chiều 2-1-2019 làm hơn 20 người chết và bị thương. Thực tế, nhiều vụ TNGT thảm khốc tương tự cũng xảy ra. Điều đáng tiếc là chỉ khi xảy ra các vụ tai nạn, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra mới phát hiện lái xe có sử dụng ma túy.

Tại buổi kiểm tra gần đây của công an TP Thủ Đức (TPHCM) với các tài xế xe tải, xe đầu kéo ra vào cảng Phú Hữu và cụm cảng Cát Lái đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với ma túy. Mới nhất, ngày 2-3, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 7 (Cục CSGT) phối hợp Phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM tiến hành kiểm tra chất ma túy đối với 30 tài xế trên cao tốc TPHCM - Trung Lương. Qua test nhanh, phát hiện 1 trường hợp dương tính, nghi sử dụng chất ma túy.

Trước tình hình trên, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT thực hiện chuyên đề xử lý “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” từ ngày 1-3 đến hết năm 2022. Theo kế hoạch, khi phát hiện tài xế sử dụng ma túy sẽ lập danh sách gửi các cơ quan, tổ chức, UBND nơi tài xế làm việc và cư trú để có biện pháp quản lý.

Mạnh tay với tài xế nghiện ma túy ảnh 1 Công an TP Thủ Đức (TPHCM) kiểm tra tài xế xe tải, xe đầu kéo ra vào cảng Phú Hữu và cụm cảng Cát Lái

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo quy định, tài xế bị phát hiện có sử dụng ma túy thì chỉ xử lý tài xế, doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan. Do đó, quy định này chưa đủ ràng buộc để doanh nghiệp nghiêm túc kiểm soát sức khỏe của tài xế. Cần xử lý trách nhiệm của doanh nghiệp khi để tài xế sử dụng ma túy cầm vô lăng hay ép tài xế làm việc quá sức. Thậm chí, ông Quyền còn đề xuất áp dụng tội danh “giết người” đối với người điều khiển phương tiện cố tình sử dụng chất cấm khi tham gia giao thông.

Một bác sĩ cho biết, người nghiện là lái xe sẽ thường xuyên rơi vào 1 trong 2 trạng thái, đói thuốc hoặc phê thuốc. Đói thuốc thì lái xe mệt mỏi, gà gật, ngáp, chảy nước mắt, quan sát, phản ứng xử lý tình huống chậm chạp dễ gây tai nạn. Còn phê thuốc thì lái xe hưng phấn quá độ, có xu hướng mất kiểm soát, thường phóng nhanh vượt ẩu, tăng nguy cơ gây TNGT.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Theo nhiều chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng người nghiện sau tay lái, nhất là sau những đợt cao điểm ra quân xử lý của lực lượng chức năng, rất cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và quản lý lái xe, từ đó loại khỏi đội ngũ những tài xế không đảm bảo yêu cầu sức khỏe theo quy định.

Dưới góc độ doanh nghiệp vận tải, bà Nguyễn Thị Ngọc Trang (Chủ nhiệm HTX TM-DV Du lịch Sen Việt) hoàn toàn ủng hộ chuyên đề của Cục CSGT. Ngoài ra, lái xe sử dụng ma túy cần được xem là đối tượng nguy hiểm và có biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ, kể cả khi chưa gây hậu quả.

Theo bà Trang, ngoài các biện pháp của cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp khi tuyển tài xế ngoài việc đáp ứng các loại giấy tờ về sức khỏe, cần tìm hiểu xem có tiền sử nghiện, từng sử dụng ma túy hay không. “Riêng đơn vị tôi tuyệt đối không tuyển những tài xế đã có tiền sử sử dụng ma túy”, bà Trang cho biết.

Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, mức phạt quy định tại điểm C khoản 10 Điều 5 của Nghị định 100 với lái xe trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị xử phạt 30-40 triệu đồng là rất lớn, hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 24 tháng. Thế nhưng, quy định cũng có phần chưa đủ sức răn đe, khi tài xế vẫn có thể tham gia lái xe.

Cần thay đổi bằng việc cấm những đối tượng này lái xe vĩnh viễn. Cần chỉnh sửa các quy định có liên quan đến Luật Lao động, cho phép doanh nghiệp được xây dựng nội quy lao động, cơ chế đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay lập tức với tài xế vi phạm sử dụng chất cấm mà không sợ vi phạm luật. Theo luật sư Lê Trung Phát, cần bổ sung tình tiết “sử dụng chất kích thích, chất ma túy” trong quá trình phạm tội, được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách liên tỉnh và du lịch TPHCM, đánh giá, tình trạng xử lý vi phạm đối tượng con nghiện sau tay lái thời gian qua thiếu sự phối hợp cần thiết, các cơ quan không phổ biến rộng rãi, trực tiếp đến cơ quan quản lý đối tượng nên chưa thể có biện pháp xử lý lâu dài. Tài xế biết cách vô hiệu hóa dương tính với ma túy để đối phó khi khám sức khỏe. 

Giải pháp trước mắt, ông Tính cho rằng cần thiết có biện pháp hỗ trợ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất trên đường hoặc ở các bến bãi tập trung. Về lâu dài, Ban ATGT các cấp cần theo dõi thường xuyên, tổng hợp đưa vào báo cáo hàng tháng, quý, năm để nghiên cứu đồng thời đề xuất biện pháp khắc phục từ kết quả xử lý trên thực tế.

“Phải tìm hiểu nguyên nhân vì đâu, thường xuyên xảy ra ở giới tài xế nào. Thậm chí đến mức nghiêm trọng thì phải công bố cả tên doanh nghiệp, HTX tập trung tài xế nhiều vi phạm, vi phạm nghiêm trọng nhất”, ông Tính kiến nghị

Tin cùng chuyên mục