Mất bò ...vẫn không lo làm chuồng!

Mất bò ...vẫn không lo làm chuồng!

Đã gần 300 năm kể từ khi khai phá Đất Phương Nam, người dân nông thôn  đồng bằng sông Cửu Long với bản tính phóng khoáng, thật thà vẫn coi chuyện rào dậu mang tính “ước lệ”! Đó là những hàng rào thấp tè cặm bởi vài cọc tre, cọc tràm…; nếu có hàng bông bụp tương đối kín đáo thì chỉ là phía “mặt tiền”, ba bề còn lại trống hoác.

Từ đất nhà này, người cùng xóm vô tư băng ngang qua đất nhà kia, nhà kia nữa… Riêng chuồng heo, gà, vịt, trâu, bò dù làm bằng vật liệu gì thì cũng nhằm mục đích cản “vật nuôi chui ra” chứ  không có tác dụng ngăn “kẻ trộm chui vào”.

Mất bò ...vẫn không lo làm chuồng! ảnh 1

Vậy mà hiện nay, nạn trộm bò đang diễn ra ở Trà Vinh - tỉnh dẫn đầu ĐBSCL về đàn đại gia súc với số bò trên 85.000 con - khiến người nuôi (hầu hết là nghèo) lo lắng. Bọn trộm bò hoạt động  rất “chuyên nghiệp”!

Chúng đột nhập lúc trời tối, vào chuồng (cách nhà chủ nuôi từ 20 - 40m để bảo đảm vệ sinh môi trường), cắt dây cột con bò béo mập nhất, dẫn ra đồng vắng giết chết và chỉ lấy đi 2 đùi sau.

Bà Thạch Thị Cúc ở ấp Kinh Xáng - xã Hiếu Tử - huyện Tiểu Cần lúc chập tối còn giăng mùng cho bò ngủ sáng ra chẳng thấy bò đâu, tìm nửa buổi mới thấy nó nằm chết cách nhà khoảng 600m, mất đi 2 đùi sau.

Tương tự, ông Trần Văn Ngoan ở khóm 1 - thị trấn Mỹ Long - huyện Cầu Ngang mất con bò cái đang có chửa vào đêm lễ hội cúng biển nhộn nhịp và tìm thấy nó nằm chết trên cánh đồng cách nhà 700m, cũng mất 2 đùi sau. Bọn trộm còn táo bạo dùng phương tiện thủy trộm bò nuôi trong các chuồng nằm ven sông rạch.

Bò là con vật to xác nên khó giấu, khó đem đi xa, phải “trộm nhanh, rút lẹ, làm thịt liền”… và đó chính là những khó khăn lớn đối với bọn trộm. Bằng vật liệu đơn sơ (tre, tràm, cây tạp…), bà con ta hoàn toàn có thể dựng được những chuồng bò đẹp, chắc chắn, có khóa cẩn thận… làm nản lòng bọn trộm bò. Dẫu tập tục xa xưa tốt đẹp nhưng với tình hình hiện nay, đừng nên “mất bò” mà vẫn “không lo làm chuồng”.

Đình Cảnh

Tin cùng chuyên mục