34 năm sau hòa bình, thời gian khá dài đủ để mỗi công dân sinh năm 1975 trưởng thành và trở thành rường cột nước nhà. Một khoản lặng dài để mỗi người Việt Nam có thể quay nhìn lại quá khứ. Thời chiến tranh, quân thù trước mặt, bom đạn của Mỹ cày nát Tổ quốc, máu người Việt Nam đã đổ xuống thắm sâu trong mỗi người nỗi căm hận ngút trời… Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu mỗi người Việt Nam đều hướng về tiền tuyến bằng cả trái tim cháy bỏng. Nhưng thời gian qua, 34 năm, khi đất nước đã hoàn toàn yên bình, khi máu không còn đổ, khi lý tưởng nồng nàn của những ngày khói lửa đã bắt đầu phai nhạt trong tâm trí nhiều người, và nhất là trước trận cuồng phong của phù hoa vật chất, nhìn lại cuộc trường chinh cứu nước cực kỳ gian khổ của dân tộc, đâu đó đã bắt đầu dấy lên cái nhìn “xét lại”. Một cuộn sóng ngầm âm ỉ đang bắt đầu bộc lên tư tưởng phủ nhận, đang muốn thay cho màu cờ đỏ cách mạng bằng lá cờ trắng đầu hàng. Có thể nói, đó chính là những phát súng bắn vào quá khứ anh hùng của dân tộc, vào những giọt máu của hàng triệu đồng bào chiến sĩ…
Những phát súng ấy hoàn toàn không phải từ bên ngoài bắn vào ta mà chính ta đang tự làm tổn thương ta. Đây chính là một mặt trận làm xoáy mòn niềm tin, làm mờ nhạt dần chân lý cứu nước của dân tộc. Khi lật lại những trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc, ai là người Việt Nam mà không tự hào về những chiến thắng lẫy lừng của ông cha.
Bạch Đằng Giang còn đó, 600 chiến thuyền của giặc bỏ xác nơi đây; trận Đống Đa còn đây, 2 vạn quân Thanh phải thảm bại tan tác; và Lê Lợi 10 năm kháng chiến để giành độc lập cho dân tộc, há rằng trong từng chiến thắng oanh liệt này mà không thương vong, không đổ máu? Nhưng có nhà viết sử nào dám cho rằng giá như biết sức giặc mạnh như thế thì tốt nhất Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đừng đánh mà hãy đầu hàng để tránh gây tổn thất xương máu cho nhân dân không? Vậy mà bây giờ, khi nước nhà giành lại độc lập từ hai cường quốc trên thế giới lại manh nha những tiếng thở dài tiếc nuối bằng hai chữ “Giá như”. Giá như không đánh mà cứ nghị hòa thì đế quốc vẫn tự động trả cho Việt Nam hai chữ Độc lập ư?
Mà đau đớn thay, những tiếng thở dài phản kháng ấy lại bắt nguồn từ một số văn nghệ sĩ lão thành, những người đã đóng góp rất nhiều công lao cho chiến thắng của dân tộc. Những trang viết tự hối, những lời nguyền rủa vào chính cái nghèo, cái gian nan của đất nước mình trong chiến tranh, những “giọt nước mắt thương cảm cho sự hy sinh vô ích” của nhân dân… Chính những lời phản tỉnh u tối của những người nhân danh đi qua 2 cuộc kháng chiến ấy là những phát đại bác đang đánh vào não trạng của một thế hệ trẻ đang lớn lên sau hòa bình, những công dân rường cột của đất nước. Một mặt trận cực kỳ đau xót, bởi nó không có tiếng súng, bởi không ai thấy mặt kẻ thù, mà kẻ thù thì cứ từng ngày len lỏi vào tư tưởng, vào trái tim của từng người… Bởi không gì đau bằng chính ta khoét vào chính trái tim ta, phơi bày ruột gan ta cho bao thế lực thù địch bên ngoài được phen hả hê, vui sướng và tích cực đánh trống rung chuông, tích cực khoét sâu vào vết thương đang rướm máu…
Không một người Việt Nam nào lại muốn có chiến tranh. Ngay bây giờ, để giữ được hòa bình cho dân tộc, chúng ta đã cố gắng hết mức trong sức của mình để bảo vệ từng tấc đất cho Tổ quốc. Đó là vết thương không phải có thể lành lặn được trong một thế hệ mà là còn nhiều thế hệ mai sau. Lạ một điều là khi ta cố gắng giữ hòa khí để xây dựng đất nước thì lại có người muốn hồ hởi đòi đánh nhau. Còn lúc dầu sôi lửa bỏng, giặc đến dội bom trên đầu chúng ta, buộc ta phải chống trả để bảo vệ Tổ quốc thì có người lại cho rằng đổ máu là không cần thiết ?! Đây mới chính là mặt trận mà kẻ thù đang lặn sâu len lỏi trong tâm thức từng người trẻ đang lớn lên từng ngày, một mặt trận đòi hỏi chúng ta phải nhận diện rõ và bền bỉ đấu tranh đến cùng.
Ngô Ngọc Ngũ Long