Vụ máy bay Malaysia Airlines chở 239 người mất tích:
Ba ngày sau khi mất tích, số phận chiếc máy bay Boeing 777-200 ER, số hiệu MH370 của Hãng hàng không Malaysia (MAS) vẫn là một ẩn số.
Vẫn bặt vô âm tín
Theo Reuters, tính đến tối 10-3, có tổng cộng 10 quốc gia (thêm Thái Lan, Australia, Indonesia và New Zealand) huy động lực lượng tìm kiếm máy bay mất tích. 5 bang của Malaysia huy động gần 1.800 tàu cá để tham gia vào việc tìm dấu vết chiếc MH370. Giới chức Malaysia đã mở rộng phạm vi tìm kiếm dấu vết chiếc máy bay về khu vực biển phía Tây.
Theo Reuters, Ủy ban Tai nạn hàng không Pháp đã đề nghị hỗ trợ Malaysia và Việt Nam với việc sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm dưới nước hoặc thu hồi các mảnh vỡ. Năm 2009, chuyến máy bay số hiệu 447 của Air France từ Rio de Janeiro tới Paris đã biến mất trên Đại Tây Dương trong một cơn bão vào ngày 1-6-2009. Phải mất 2 năm tìm kiếm chiếc máy bay rơi cùng hộp đen của nó và mất 1 năm để giải mã hộp đen tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn. Cuộc săn tìm ngốn của nước Pháp hơn 50 triệu USD.
Nhiều giả thuyết
Hãng AFP ngày 10-3 đưa tin, cơ quan điều tra Malaysia không loại trừ khả năng chiếc máy bay đã bị không tặc, bên cạnh khả năng máy bay nổ tung ở độ cao 10,5km. Tuy nhiên, nếu chiếc máy bay lao xuống biển từ độ cao như thế khi còn nguyên vẹn thì các đội tìm kiếm đã có thể phát hiện ra những mảnh vỡ của chiếc máy bay trôi trên biển. Theo tờ Straits Times, một số chuyên gia cho rằng nhiều khả năng chiếc máy bay mất tích bị mất lực nâng đột ngột, tương tự sự cố máy bay số hiệu 447 của Air France rơi ở Đại Tây Dương năm 2009. Hiện nay xuất hiện nhiều giả thuyết về tai nạn máy bay nhưng phía Malaysia chưa khẳng định được giả thuyết nào chính xác do công tác điều tra đang được tiến hành.
Chiều 10-3, Cơ quan Hàng hải Malaysia cho biết các xét nghiệm đã khẳng định vệt dầu loang ở khu vực máy bay mất tích không phải là dầu máy bay mà là dầu tàu thủy.
Ông Amdan Kurish, Tổng Giám đốc Cơ quan Thực thi hàng hải Malaysia (MMEA), cho biết vệt dầu loang được phát hiện dài 2km, cách bang Kelantan ở bờ biển phía Đông Malaysia khoảng 185km về phía Bắc. Phòng xét nghiệm của cơ quan điều tra Malaysia đang gấp rút hoàn thành phân tích mẫu dầu loang này. Sau khi cư dân mạng Trung Quốc cung cấp các hình ảnh tình nghi là vật thể của máy bay bị rơi, giới chức Malaysia cho biết hiện vẫn chưa tìm thấy bất kỳ vật thể nào, cũng như chưa thể xác nhận mảnh vỡ được nhìn thấy tại vùng biển Việt Nam vào ngày 9-3 là của chiếc máy bay mất tích. Cơ quan điều tra của Malaysia cũng bác bỏ việc tìm thấy cửa máy bay bị rơi sau khi những tấm hình tình nghi là vật thể rơi của máy bay được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều tra đường dây hộ chiếu giả ở Thái Lan
Theo hãng tin AFP, trước khi máy bay khởi hành, có 5 hành khách đã làm thủ tục gửi hành lý nhưng đã không lên máy bay. Chính phủ Malaysia không công bố danh tính của 5 hành khách này. Cả 5 hành khách này cũng đã không liên hệ với giới truyền thông và giải thích lý do tại sao lại bỏ chuyến bay MH370. Hiện nhà chức trách không bắt giữ họ mà chỉ mở cuộc điều tra. Cục hàng không dân dụng Malaysia (DCA) cũng cho biết do 5 hành khách không lên máy bay, hành lý của họ được kiểm tra nhưng không có vấn đề gì bất thường.
|
Đến tối 10-3, trái ngược với thông tin ban đầu cho biết 2 nghi phạm dùng hộ chiếu bị đánh cắp là người châu Á, lãnh đạo DCA Azaharuddin Abdul Rahman đã bác bỏ thông tin trên. Khi bị giới truyền thông hỏi dồn, ông Rahman mới cho biết 1 trong 2 hành khách đó trông giống ngôi sao bóng đá Italia gốc Phi Mario Balotelli. Ông Rahman không tiết lộ gì thêm.
Liên quan đến thông tin hộ chiếu, Interpol cho biết 2 hộ chiếu nói trên đã được đưa vào cơ sở dữ liệu của Interpol ở đề mục “Giấy tờ đi lại bị đánh cắp hoặc thất lạc” sau khi chúng được thông báo thất lạc tại Thái Lan vào năm 2012 và 2013. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Interpol Ronald Noble cho rằng việc hành khách có thể lên máy bay với hộ chiếu bị đánh cắp đã lưu trong cơ sở dữ liệu của Interpol mà nhà chức trách không phát hiện ra là điều rất đáng lo ngại.
Nghi vấn về một vụ tấn công khủng bố nổi lên sau khi cơ quan chức năng phát hiện ít nhất 2 hành khách trên máy bay này sử dụng hộ chiếu đánh cắp, trong đó 1 từ Italia và 1 từ Áo. Chủ sở hữu thật sự của 2 tấm hộ chiếu này vẫn an toàn. Trong đó, ông Luigi Maraldi, người Italia, đang du lịch ở Phuket, Thái Lan, đã đến trình diện cảnh sát. Ông này cho biết đã mất hộ chiếu trong một lần thuê xe máy tại một resort ở Phuket năm 2013. Ông Maraldi đã đến trình báo cảnh sát việc mất hộ chiếu vào ngày 25-7-2013 và sau đó bay về nước bằng giấy tờ thông hành tạm thời vào tháng 8-2013.
Thông tin tiết lộ buộc Thái Lan phải vào cuộc điều tra đường dây làm hộ chiếu giả tại nước này. Tuy nhiên giới chức Thái Lan hiện không có thông tin gì về hộ chiếu của Christian Kozel, người Áo. Nhưng Bộ Ngoại giao Áo cho biết hộ chiếu của ông Kozel bị đánh cắp trên một chuyến bay từ Phuket đến Bangkok năm 2012.
Trung Quốc chỉ trích Malaysia
Cùng ngày, theo tờ Straits Times, giới chức Trung Quốc đã tổ chức một cuộc gặp gỡ các thân nhân của hơn 150 người mất tích nhằm giải đáp thắc mắc trong sự cố này nhưng cuộc họp đã không giải quyết được những vấn đề gây bức xúc của họ. Cuộc họp có sự tham dự của 4 quan chức hàng không và sau đó trở thành nơi để các thân nhân trút sự giận dữ. Các thân nhân của những người mất tích yêu cầu Chính phủ Trung Quốc tăng cường biện pháp tìm kiếm tại khu vực được khoanh vùng của sự cố này. Trong khi có những người khác cho rằng nên trả lời về khả năng sống sót của thân nhân của họ.
Trong khi đó, một nhóm công tác đặc biệt gồm quan chức các bộ của Trung Quốc đã đến Malaysia trước đó để điều tra và hỗ trợ thân nhân các hành khách Trung Quốc đi trên chuyến bay này. Hầu hết gia đình của những hành khách đi trên chuyến bay MH370 đã tập trung trong một khách sạn ở Putrajaya do chính quyền Kuala Lumpur sắp xếp.
Không khí u ám và đau khổ tiếp tục bao trùm lên căn phòng chờ ở một khách sạn Bắc Kinh. Thông tin máy bay có khả năng bị khủng bố khiến cho thân nhân hành khách càng trở lên sợ hãi và không khí càng rối loạn. Một trong số thân nhân hành khách, có họ Trương, khoảng 40 tuổi còn thu thập chữ ký cho một bản kiến nghị. Ông tuyên bố sẽ đưa bản kiến nghị này cho giới truyền thông để gia tăng áp lực, khiến các nhà chức trách phải cung cấp thông tin về chuyến bay cho họ. Trong phòng chờ dành cho thân nhân hành khách tại sân bay, không khí lại càng căng thẳng hơn với không gian chật hẹp, thiếu ghế, trong khi đội ngũ hỗ trợ chỉ nói được tiếng Anh mà không nói được tiếng Trung Quốc. Do vậy, một số người cảm thấy rất khó khăn khi muốn nhờ sự giúp đỡ hoặc hỏi thăm về tiến độ tìm kiếm.
Truyền thông Trung Quốc đã công kích sự chậm trễ của giới chức Malaysia. Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Chính phủ Malaysia ứng phó với vụ máy bay mất tích quá chậm. Nếu nguyên nhân vụ máy bay mất tích là do sự cố kỹ thuật hoặc do lỗi phi công thì Malaysia Airlines nên lên tiếng chịu trách nhiệm. Tờ này cho rằng nếu đây là một vụ tấn công khủng bố, công tác kiểm tra an ninh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur của Malaysia có vấn đề. Tờ China Daily đề cập, công tác đảm bảo an ninh quá lỏng lẻo tại sân bay nên mới có trường hợp hành khách mang hộ chiếu đánh cắp lên được máy bay.
THANH HẰNG (tổng hợp)
Những diễn biến chính ngày 10-3 (giờ Việt Nam)
– 7 giờ 10: Trực thăng Mi 171 mang số hiệu 02 rời sân bay Cà Mau tiếp cận vị trí vết dầu loang và mảnh vật thể lạ cách đảo Thổ Chu khoảng 80km về phía Nam Tây Nam.
– 8 giờ 29: Australia gửi thêm một máy bay trinh sát đến hỗ trợ công tác tìm kiếm máy bay mất tích.
– 8 giờ 30: Thủy phi cơ DH-C6 cơ động số hiệu VNT 777 của Quân chủng Hải quân tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
– 9 giờ: Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu dẫn đầu đoàn công tác của Ủy ban quốc gia TKCN đã có mặt tại huyện đảo Phú Quốc để thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại đây.
– 11 giờ 15: Nhiều hãng truyền thông quốc tế như Reuters, Tân Hoa xã, I.Cable news Lmtd (Hongkong) đã có mặt tại Phú Quốc.
– 15 giờ 55: Tàu HQ 637 (Hải quân vùng 5) vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130km về phía Tây Nam. Vật thể được xác định là nắp cuộn cáp đã đóng rêu, không phải là phao hay xuồng cứu sinh như nghi vấn.
– 18 giờ 30: Tàu của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thẳng tiến đến vùng biển mà máy bay Hồng Công (Trung Quốc) phát hiện một số mảnh vỡ.
– 22 giờ: 4 tàu Hải quân, 2 tàu Cảnh sát biển, 2 tàu TKCN hàng hải của Việt Nam và hàng chục tàu cứu hộ các loại của 9 quốc gia tiếp tục tìm kiếm dấu vết chiếc máy bay mất tích.
- Huy động lực lượng tìm kiếm vật thể lạ trên biển Vũng Tàu
- Họp báo vụ tìm kiếm máy bay Malaysia bị tai nạn