Mệnh lệnh từ thị trường!

Cơn sốt ảo giá gạo vừa qua đã vỡ ra nhiều điều. Lãnh đạo TPHCM mong muốn các doanh nghiệp (DN) nhanh chóng đưa hàng ra thị trường để “hạ nhiệt” cơn sốt. Tuy nhiên, các DN có hàng lại không biết tung vào đâu! May thay, TPHCM có hệ thống siêu thị Co.opMart đứng ra làm cầu nối cho DN và người tiêu dùng. Sốt gạo bị đẩy lùi trong vòng vài ngày. Sau sốt gạo đến sốt xi măng.

Đại diện của Saigontourist kể, công trình mở rộng khách sạn Rex đã gần hoàn thành. Chỉ còn một hạng mục nhỏ nhất, cần có thêm khoảng hơn chục bao xi măng là xong. Nhưng trớ trêu, nhà thầu chạy khắp TP cũng chỉ mua được có 2 bao và công trình phải dang dở. Cơn sốt xi măng đã kéo dài dai dẳng hàng tháng trời vì thiếu một hệ thống phân phối đủ sức giúp ổn định thị trường.

Giải thích về nguyên nhân khiến xi măng khan hàng, tăng giá, các nhà máy đều khẳng định họ sản xuất bình thường và bán hàng đúng giá (57.000 đồng/bao) nhưng do nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên các đại lý tự ý nâng giá vì vậy giá đã tăng rất cao (hơn 80.000 đồng/bao). Mà việc quản lý giá hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của các DN! Cách lý giải của ngành xi măng cũng giống như bao ngành hàng khác mỗi khi đụng chuyện. Như tình hình cứ vào mùa tết là giá bia Sài Gòn trên thị trường tăng vọt. Việc kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, phải chăng là quá khó?

Theo lộ trình cam kết với WTO, còn đúng 6 tháng nữa là các DN nước ngoài sẽ được quyền tham gia vào hệ thống bán lẻ của VN. Những ai quan tâm và theo dõi lĩnh vực này sẽ cảm nhận rất rõ sức nóng từ việc mở cửa thị trường đang đến rất gần. Trong khi đó, hệ thống phân phối trong nước của chúng ta vẫn trong tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, phát triển tự phát. Cả nước hiện có 9.000 chợ, hơn 200 siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) đang hoạt động tại 30 tỉnh, thành phố và khoảng 100.000 cửa hàng tạp hóa.

Nhưng hệ thống các chợ đang xuống cấp nghiêm trọng, các siêu thị thì do DN tự đầu tư xây dựng (trong đó có không ít DN nước ngoài) còn TTTM thì gần như do các tập đoàn nước ngoài quản lý và chi phối hoạt động. Thực tế cho thấy, chưa mở cửa thị trường nhưng tại hàng loạt TTTM do các tập đoàn nước ngoài quản lý, hàng hóa “made in Vietnam” đã bị ra rìa!

Trở lại với giá hàng loạt các mặt hàng thiết yếu liên tục bị “nóng”, “lạnh” thất thường, chung quy cũng chỉ vì chúng ta chưa tổ chức được hệ thống bán lẻ một cách bài bản cho từng ngành hàng. Nói cách khác, thị trường hàng hóa đã và đang bị thả nổi từ nhiều năm qua.

Chân lý của kinh tế thị trường, ai làm chủ hệ thống phân phối, người đó sẽ có quyền quyết định việc sản xuất cái gì và do ai sản xuất. Nếu chúng ta không nhanh chóng tổ chức lại hệ thống phân phối một cách khoa học thì tương lai không chỉ có các DN thua trên sân nhà mà nền công nghiệp sản xuất cũng sẽ bị đình trệ.

Hải Hà

Tin cùng chuyên mục