Miền Tây chủ động đón lũ

Nước sông Mê Công tiếp tục đổ về ĐBSCL, nhiều khu vực đầu nguồn Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên nước đang lên nhanh.
Đây là tín hiệu lạc quan cho những người dân ở ĐBSCL đang ngóng lũ. Khác với tình hình các tỉnh miền núi phía Bắc, mấy ngày qua mưa lớn gây lũ ống, lũ quét cục bộ, sạt lở đất gây thiệt hại về người, tài sản; thì phần lớn cư dân miền Tây đang “đón lũ” bằng tâm thế chủ động mà không chủ quan. 

Người dân miền Tây gọi mùa nước nổi là mùa lũ. Ở ĐBSCL này không có lũ cuốn, lũ quét, càng không có lụt, chỉ có nước lên theo mùa. Mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của vùng đất này. Nói theo các nhà khoa học, nó tham gia kiến tạo và phát triển đồng bằng. 

Mấy năm qua ĐBSCL vắng bóng mùa lũ, kèm theo là hệ quả của việc mất một lượng lớn phù sa và dân cư mất sinh kế mùa nước nổi. Năm 2016, vùng này còn phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử do hạn mặn. Khi tài nguyên nước sông Mê Công sụt giảm nghiêm trọng, thiếu hụt một lượng lớn phù sa, đồng ruộng “suy dinh dưỡng”, ảnh hưởng nặng nề đa dạng sinh học. Hiện tượng lũ tràn đồng khan hiếm do các quốc gia đầu nguồn xây đập thủy điện, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước sông Mê Công và tác hại của đê bao cục bộ trong vùng, làm cho các dòng sông “đói phù sa”, đổi dòng hung bạo tạo ra sạt lở.

“Chiếc áo giáp phù sa” bảo vệ bờ biển đồng bằng cũng bị làm mỏng đi. Nhiều công trình thủy lợi cục bộ trong vùng thời gian qua được làm theo kiểu mạnh ai nấy lo đã phá vỡ các túi chứa nước lũ được điều tiết tự nhiên hàng ngàn năm qua. Việc chạy đua “quay vòng hệ số sử dụng đất” trong sản xuất nông nghiệp khiến “lũ đẹp” không vào được nội đồng.

Nước lên cao, nếu xem thường, không chủ động thích nghi thì thiệt hại là lẽ thường. Nhưng mùa nước nổi cũng mang về nhiều nguồn lợi nông nghiệp, thủy sản và sinh kế cho người dân. Mặc dù cũng là hiện tượng lũ lụt, nhưng lũ miền Tây đối với người đồng bằng không phải là thiên tai. Nước về nhiều tuy gây ngập lụt nhưng có tác dụng rất lớn trong việc tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, vệ sinh đồng ruộng, đặc biệt là bồi đắp phù sa. Kinh nghiệm cho thấy, năm nào lũ cao là vụ đông xuân năm sau trúng mùa. Cư dân vùng này đã biết sống chung với lũ bằng việc thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp và đa dạng hóa sinh kế, chuyển sang khai thác nguồn lợi thủy sản dồi dào.

Từ bài học trong quá khứ, cần xem những tín hiệu dự báo “lũ sớm, nước lên cao” năm nay bằng một tâm thế bình tĩnh, tích cực và chủ động. Không thể ứng phó ngắn hạn như “đèn cù” từ “chống hạn” năm trước sang “chống lũ” năm nay. Chính quyền và người dân không ngồi chờ, nhưng cũng không đổ tiền vội vã vào các công trình cục bộ. Bài toán cân bằng tổng thể và yêu cầu “chi phí - lợi ích” cần được đặt ra trước tiên cho bất kỳ một quyết định đầu tư công trình vội vã nào.  

Lũ ở ĐBSCL năm 2017 nếu có xảy ra, cần được xem như là một liều thuốc thử để đánh giá kết quả những nỗ lực củng cố triết lý sống chung với khô hạn, biến đổi khí hậu, nước biển dâng lẫn sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ vốn đã được hình thành bằng chính mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người trong cuộc. Vì vậy, rất cần sự chuyển đổi tận gốc từ tư duy “chống lũ, né lũ, chung sống với lũ”, đến chủ động đón lũ và vượt lên đỉnh lũ để hướng đến một ĐBSCL an toàn, trù phú và phát triển bền vững trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục