Tuần này, mục Chính sách thuế nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc. Chúng tôi xin đăng một số câu trả lời của bà Trần Thị Lệ Nga (Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM) về những vấn đề bạn đọc quan tâm.
Lương tháng 6, trả sau vẫn được miễn thuế
Nghị quyết của Quốc hội cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 6 tháng đầu năm đối với các đối tượng đã được giãn thuế, nhưng công ty chúng tôi vẫn chưa biết cách xác định khoản thuế TNCN được miễn như thế nào. Phải tính theo thời điểm trả lương hay tính theo nguồn gốc của khoản thu nhập đó? Ví dụ, tiền lương tháng 6, công ty trả làm 2 đợt, đợt 1 vào ngày 15-6 và đợt 2 ngày 5-7 thì tính miễn thuế ra sao? (Nam Phương, quận Bình Thạnh TPHCM)
– Theo quy định của Luật Thuế TNCN, đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, đầu tư vốn, bản quyền, nhượng quyền thương mại…, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm chi trả thu nhập. Trong thực tế có một số đối tượng có thu nhập phát sinh, đúng ra được chi trả trong 6 tháng đầu năm và được miễn thuế theo nghị quyết của Quốc hội nhưng vì lý do khách quan nên việc chi trả chuyển sang tháng 7. Để đảm bảo công bằng và bình đẳng cho các cá nhân thuộc đối tượng được miễn thuế, Bộ Tài chính đề nghị không tính theo thời điểm chi trả mà tính theo nguồn gốc phát sinh thu nhập và đề nghị này đã được Chính phủ đồng ý tại công văn số 5048/VPCP-KTTH ngày 27-7-2009. Như vậy khoản tiền lương tháng 6-2009, dù người nộp thuế nhận trong tháng 7-2009 vẫn được miễn thuế.
Theo Luật Thuế TNCN, cuối năm cơ quan chi trả phải tổng hợp thu nhập của 12 tháng, chia bình quân một tháng rồi áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần để quyết toán, xác định số thuế phải nộp của cả năm 2009. Tuy nhiên, năm 2009, một số đối tượng chỉ phải nộp thuế 6 tháng cuối năm. Như vậy, chúng tôi phải quyết toán thuế TNCN như thế nào? Tính 12 tháng hay chỉ tính 6 tháng? (Nguyễn Minh Giang, phường Tân Định quận 1)
– Theo Luật Thuế TNCN, cá nhân cư trú có thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công được tính thuế theo năm. Tuy nhiên, do năm 2009 là năm có đặc thù riêng, Quốc hội cho phép miễn số thuế phát sinh trong 6 tháng đầu năm, do đó để đơn giản khi quyết toán thuế, Chính phủ đã chấp thuận chỉ quyết toán thuế đối với thu nhập phát sinh từ ngày 1-7 đến 31-12-2009. Như vậy, chỉ quyết toán 6 tháng cuối năm, không phải quyết toán cả năm 2009.
Giá đất, do doanh nghiệp tự khai, tự chịu
Từ ngày 1-1-2009, thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) số 13/2008/QH12, đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất (hoặc giá thuê đất) thực tế tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp giá đất tại thời điểm chuyển nhượng do người nộp thuế kê khai không đủ căn cứ để xác định giá tính thuế hợp lý theo quy định của pháp luật thì tính trừ theo giá đất (hoặc giá thuê đất) do UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm chuyển nhượng bất động sản. Giá đất tính trừ để xác định giá tính thuế tối đa không vượt quá số tiền đất thu của khách hàng. Nhưng trong thực tế khi thực hiện, chúng tôi rất lúng túng vì không biết dựa trên cơ sở nào để tính giá thực tế và cơ quan thuế cũng đề nghị chỉ được trừ theo giá đất của UBND tỉnh, TP quy định. Theo tôi tính như vậy không hợp lý. Chúng tôi được biết Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn về vấn đề này. Xin cho biết cụ thể để chúng tôi thực hiện? (Nguyễn Thị Minh Hằng, quận 7)
– Ngày 22-7-2009, Bộ Tài chính có công văn số 10383/BTC-TCT về việc giá tính thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản từ ngày 1-1-2009. Theo đó, đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế GTGT là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất thực tế do người nộp thuế (cơ sở kinh doanh bất động sản) tự khai tại thời điểm chuyển nhượng. Giá đất thực tế do cơ sở kinh doanh bất động sản tự khai tại thời điểm chuyển nhượng theo hợp đồng chuyển nhượng bất động sản. Cơ sở kinh doanh bất động sản tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai giá đất được trừ trong giá tính thuế GTGT.
Trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng bất động sản không tách riêng giá bán nhà, cơ sở hạ tầng và giá đất, nếu cơ sở kinh doanh bất động sản đã lập hóa đơn GTGT giao cho khách hàng, trên hóa đơn GTGT không tách riêng giá bán nhà, cơ sở hạ tầng, giá đất và cơ sở kinh doanh đã nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế thì cơ sở kinh doanh được quyền khai điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khai thuế nhưng phải thực hiện trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra.
Cơ sở kinh doanh bất động sản và khách hàng phải lập biên bản thỏa thuận bằng văn bản về việc điều chỉnh hợp đồng chuyển nhượng bất động sản đã lập trước đó, trong đó ghi rõ giá bán nhà, cơ sở hạ tầng và giá đất thực tế tại thời điểm chuyển nhượng, thuế GTGT, lý do điều chỉnh hóa đơn đã lập của cơ sở kinh doanh bất động sản (số, ký hiệu, ngày tháng của hóa đơn), đồng thời khách hàng gửi kèm theo hóa đơn trả cơ sở kinh doanh bất động sản để cơ sở kinh doanh bất động sản lập lại hóa đơn GTGT ghi tách riêng giá bán nhà, cơ sở hạ tầng, giá đất và thuế GTGT hóa đơn mới ghi rõ “Hóa đơn này thay thế hóa đơn (ký hiệu số, ngày tháng của hóa đơn đã lập)”. Căn cứ hóa đơn đã lập, cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện điều chỉnh thuế GTGT đầu ra.
Các doanh nghiệp, cá nhân có thắc mắc về chính sách thuế; phản ánh các vấn đề tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà của cán bộ thuế; kiến nghị những bất cập hay đóng góp xây dựng ngành thuế TP hiện đại… vui lòng gởi về địa chỉ: hanni@sggp.org.vn hoặc ĐT: (08) 8340021 - 0903 975323. |
CHẾ HÂN - Q.VIỆT