Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) và áp dụng từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 31-12-2025. Tổng số thuế SDĐNN được miễn sẽ khoảng 7.500 tỷ đồng/năm. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp thế giới và Việt Nam chịu sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, của dịch Covid-19 thì chính sách miễn thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm bớt khó khăn cho nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp.
Đối với doanh nghiệp (DN) đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì vốn và đất đai là hai nguồn lực quan trọng nhất. Cùng với nhiều chính sách khác, việc miễn thuế SDĐNN được đánh giá có tác động tích cực, góp phần giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy các DN quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, số DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là trên 50.000 DN, trong đó khoảng 10.200 DN trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Số lượng DN như vậy chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN cả nước. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng DN như hiện nay còn khá ít. Trong khi đó, quy mô của DN nông nghiệp còn hạn chế. Sự phát triển của các DN trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong hội nhập. Theo Bộ Tài chính, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng DN hoạt động đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức trực tiếp SDĐNN để sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Bên cạnh đó, hiện nay, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, cá nhân và là đối tượng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Do vậy, cần phải tiếp tục có chính sách ưu đãi miễn, giảm thuế SDĐNN cho giai đoạn tiếp theo. Việc thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với hộ gia đình, cá nhân cùng với chính sách khuyến khích DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra thể chế chính sách ưu đãi thống nhất, hợp lý để khuyến khích các nguồn lực đầu tư của xã hội vào nông nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc miễn thuế SDĐNN còn mang đến một số tác động thiếu tích cực, đó là không tạo động lực cho tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và việc thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận). Song, theo Chính phủ, việc để đất đai hoang hóa có nhiều nguyên nhân (như hạn hán, thiếu nước, dịch bệnh, không có đầu ra, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, thiếu hụt nguồn lao động…) và không phải do việc miễn thuế SDĐNN. Song, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ việc thu thuế đối với đất để hoang hóa khi nghiên cứu đề xuất, hoàn thiện pháp luật về đất đai, trong đó có thuế liên quan đến đất đai.
Trong xu hướng đẩy mạnh hợp tác quốc tế và toàn cầu hóa, các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Để có thể tận dụng được cơ hội, đòi hỏi sản xuất nông nghiệp Việt Nam phải phát triển bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Chính sách miễn thuế SDĐNN phù hợp với cam kết của Việt Nam khi tham gia WTO sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư quốc tế, trong nước vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.