Minh bạch là chính trực

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Có tịch thì rục rịch” hay “có tật thì giật mình”, ý nói rằng, người làm điều vụng trộm, không ngay thẳng thì luôn bất an, hay đề phòng người khác phát hiện. Ngạn ngữ Việt Nam cũng có câu: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, ý nói rằng, con người ta thường hay khoe cái tốt đẹp ra ngoài, còn cái xấu không muốn cho người khác biết vì sợ xấu hổ. Nhưng ngạn ngữ Việt Nam cũng lại có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng”, ý nói rằng, người ngay thẳng, chính trực, luôn sống với con người thật của chính mình, không sợ điều tiếng, không sợ kẻ xấu hãm hại…

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Có tịch thì rục rịch” hay “có tật thì giật mình”, ý nói rằng, người làm điều vụng trộm, không ngay thẳng thì luôn bất an, hay đề phòng người khác phát hiện. Ngạn ngữ Việt Nam cũng có câu: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, ý nói rằng, con người ta thường hay khoe cái tốt đẹp ra ngoài, còn cái xấu không muốn cho người khác biết vì sợ xấu hổ. Nhưng ngạn ngữ Việt Nam cũng lại có câu: “Cây ngay không sợ chết đứng”, ý nói rằng, người ngay thẳng, chính trực, luôn sống với con người thật của chính mình, không sợ điều tiếng, không sợ kẻ xấu hãm hại…

Dù sắc thái ngữ nghĩa có khác nhau nhưng có thể thấy những câu ngạn ngữ kể trên đều hàm ý đến vấn đề nhân cách con người. Những người có nhân cách bao giờ cũng đề cao sự thẳng thắn, chính trực, hay nói khác, luôn hết mình ủng hộ lối sống đạo đức, sự minh bạch, rõ ràng. Ngược lại, những người đã bị cái xấu lôi kéo, đồng hóa, là những người mà nhân cách đã bị tổn thương, hư hoại. Do đã bị đồng hóa với cái xấu nên những đối tượng này luôn tìm mọi cách che đậy sự thật tiêu cực bằng những cách thức thiếu chính trực, đồng thời cổ vũ cho một trật tự xã hội thiếu minh bạch, lấy sự thiếu minh bạch làm bình phong để duy trì lối sống tiêu cực, chỉ vì lợi ích cá nhân quên đi lợi ích tập thể, của số đông còn lại.

Trước những vấn đề đặt ra từ thực tế, nhận thức được sức mạnh lớn lao của sự công khai, minh bạch trong công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng; làm nền tảng thiết lập một xã hội chính trực, thượng tôn pháp luật, đề cao lối sống đạo đức, có nhân cách, từ nhiều năm trước Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực để cụ thể hóa vấn đề này vào hệ thống pháp luật cũng như quy định của Đảng. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai, minh bạch đến nay vẫn còn mang tính hình thức, bởi gặp nhiều trở ngại từ chính thực tế. Việc công khai, minh bạch đối với các dự án, công trình, những vấn đề liên quan đến cái chung đã khó; thực hiện công khai, minh bạch đối với cá nhân cán bộ, đảng viên còn khó hơn, đặc biệt là đối với những cán bộ, đảng viên “có vấn đề”.

Ngoài các quy định của Đảng, gần đây, ngày 8-8-2011, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 68 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó quy định bảng kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức nằm trong diện kê khai phải được công khai để người dân và cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị, tổ chức biết. Tuy nhiên, riêng trên địa bàn TPHCM, theo số liệu từ Thanh tra TP, đến nay cũng chỉ có 42/88 cơ quan, đơn vị thực hiện. Trong lúc đó, theo xác minh của phóng viên Báo SGGP, việc kê khai, công khai này cũng thực hiện rất hình thức và chủ yếu là làm cho có để báo cáo theo chỉ đạo của cấp trên, chứ chưa phải để quần chúng nhân dân theo dõi, giám sát.

Có thể nói chưa bao giờ Đảng ta lo cho sự tồn vong của chế độ như bây giờ. Đó là bởi thực tế mà Đảng đã không ít lần thừa nhận, trong đó mới nhất, công khai nhất, mạnh mẽ nhất thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Các cơ quan đơn vị, đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên trên cả nước đã và đang quán triệt, thực hiện nghị quyết, nhằm chặn đứng sự suy thoái trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; từ đó tiến tới củng cố, xây dựng Đảng trở nên thật sự trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, chỉ dừng lại ở việc kêu gọi tính gương mẫu, sự tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, trong việc tự phê bình và phê bình là chưa đủ. Hơn hết, phải quyết liệt thực hiện triệt để công khai, minh bạch trong mọi vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân, của đất nước, thông qua việc đảm bảo phát huy tối đa quyền làm chủ của người dân, chế tài nghiêm khắc đối với mọi cán bộ, đảng viên vi phạm, nhất là người đứng đầu. Chỉ khi nào những người sống thẳng, sống thật, sống chính trực, có nhân cách, đạo đức trở thành lực lượng trội, luôn áp đảo trong xã hội, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, lúc đó Đảng ta mới thật sự vững mạnh, đất nước mới thật sự phát triển, xã hội mới thật sự thái hòa.

Phạm Phương Đông

Tin cùng chuyên mục