Có thể nói chưa bao giờ và chưa khi nào người dân khát khao sự thật như bối cảnh hiện nay. Không chỉ các số liệu cốt lõi của nền kinh tế như nợ xấu, lỗ và lãi của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đến cả chỉ số an toàn trong đánh giá tác động môi trường tại thủy điện Sông Tranh 2 cũng làm… theo ý chủ đầu tư khiến xã hội lo lắng. Trên đầu, một túi nước hàng trăm triệu mét khối được ngăn bởi thân đập bị rò rỉ, dưới chân động đất xảy ra như cơm bữa, nhà cửa hư hỏng. Thế nhưng, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường lại là tác phẩm lắp ghép, chắp vá để nhào nặn ra viễn cảnh an toàn. Rõ ràng, chủ đầu tư đã che đậy sự thật nên hiện nay sinh mạng hàng triệu con người rơi vào cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong đời sống xã hội người dân ngày càng chật vật khi muốn có mâm cơm chất lượng. Bởi giá cả chực chờ leo thang, việc làm khan hiếm, sản xuất đình đốn… Ai cũng hỏi dòng tiền đang đổ vào đâu, khi nhà nước khẳng định không siết chặt nguồn vốn vay nữa. Dư luận, chuyên gia kinh tế cho rằng có thể tiền chảy vào các doanh nghiệp “sân sau” ngân hàng hoặc các đại gia “nhanh chân lẹ tay” ôm tiền chỉ để đảo nợ, chứ không tạo ra việc làm, tăng lương người lao động.
Chưa biết thực hư giải thích này chính xác đến đâu nhưng theo nhận định của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại Hội nghị lấy ý kiến người dân, chuyên gia về kinh tế - xã hội do UBTƯMTTQ Việt Nam tổ chức: ở nước ta đang tồn tại một thực trạng, kinh tế khó khăn là thế nhưng ngân hàng vẫn lãi khủng – đó chính là lãi ảo. Trong cái gọi là kinh tế ảo ấy, những hoạt động ngầm diễn ra rất khủng khiếp. Trong lĩnh vực ngân hàng vấn đề nợ xấu đang trở thành khối nặng chèn ép lên cả nền kinh tế…
Tuy nhiên, con số nợ xấu thật lại tùy cách tính của các ngân hàng. Trong khi đó nhiều chuyên gia kinh tế ví nợ xấu hiện nay như cục nam châm hút vốn huy động, khiến luồng vốn huy động chảy vào ngân hàng rất mạnh, song chủ yếu các ngân hàng dùng để đảo nợ. Và chỉ có doanh nghiệp mới vật vã đi tìm vốn, hàng hóa tồn kho, phải thu hẹp quy mô sản xuất, phá sản khiến đại bộ phận người lao động lao đao trên con đường sinh kế là sự thật.
Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Nhưng kết quả tổ chức kiểm điểm, hội họp thời gian qua như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan bộc bạch tại hội nghị trên: đọc báo thì cảm tưởng đầu tiên thấy mọi chuyện dường như đều êm cả!
Từ thực trạng nền kinh tế đến sự việc cụ thể ở thủy điện Sông Tranh 2, nếu soi rọi nghiêm túc dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương 4, không thể nào rơi vào tình trạng “đánh bùn sang ao”, việc rõ mồn một nhưng không ai chịu trách nhiệm. Chỉ có khi nào sự thật phơi bày, mới rõ địa chỉ chịu trách nhiệm. Khi yêu cầu người dân thực hiện đầy đủ trách nhiệm công dân với đất nước thì quyền được biết những sự thật liên quan đến chén cơm, manh áo, tính mạng phải được pháp luật bảo vệ, nếu không muốn nói đó là quyền hiến định. Và nếu hành xử sòng phẳng với người dân thì sự thật không phải “món hàng xa xỉ” để người dân phải khát khao được biết.
LỘC NAM