Mở cửa an toàn để phát triển kinh tế

Sau hơn 1 tháng triển khai, Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã được thực tiễn chứng minh là phù hợp, kịp thời. Tuy còn có nhiều ổ dịch xuất hiện, số ca mắc còn cao nhưng trạng thái bình thường mới dần được thiết lập ở tất cả các địa phương, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, đại dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài trên toàn cầu với khả năng xuất hiện các biến thể mới. Nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới rất cao trong khi tình trạng thiếu hụt vaccine, thuốc điều trị vẫn còn. Bên cạnh đó, năng lực phòng chống dịch của hệ thống y tế, nhất là ở cơ sở, chưa đáp ứng được yêu cầu nếu dịch bệnh kéo dài. Nguồn lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục hậu quả dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội còn nhiều hạn chế.

Nếu chúng ta lơ là, chủ quan thì dù đã tiêm vaccine với tỷ lệ lớn, dịch Covid-19 vẫn có thể lây lan. Do đó, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo Quốc hội khi trả lời chất vấn đại biểu, chúng ta thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế nhưng phải gắn với bảo đảm an toàn; chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong nhưng tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Chính phủ đã xác định tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022 để có thể đáp ứng cao nhất với yêu cầu điều trị. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định. 

Để phòng chống dịch hiệu quả và mở cửa an toàn thì cần tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong phòng chống dịch, sản xuất - kinh doanh. Bên cạnh đó, việc mở cửa trường học, du lịch cũng cần phải bảo đảm chỉ những nơi là vùng xanh mới đón khách du lịch, cho học sinh quay lại trường, và quan trọng nhất, phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về phòng chống dịch mà ngành y tế khuyến cáo.

Nhu cầu mở cửa kinh tế, đi lại, học hành, du lịch… đang rất bức thiết đối với người dân hiện nay. Nhưng trong 2 tuần qua, số F0 mới tại TPHCM có chiều hướng tăng lên và ngành y tế TPHCM muốn mở lại các khu cách ly tập trung của quận huyện để giám sát, điều trị những ca mắc không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Còn tại Hà Nội, những ngày gần đây, số ca F0 tăng lên mức 3 con số. Số ca mắc tăng một phần do tâm lý chủ quan đang khá phổ biến. Trong đó, nhiều người dân chưa thực hiện nghiêm 5K; nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, chợ dân sinh chưa chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch, thậm chí có cơ sở hoạt động trái phép... Thực tế này nếu không được kịp thời chấn chỉnh thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. 

Để mở cửa an toàn, phát triển kinh tế, chúng ta cần tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng chống dịch Covid-19; thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là nâng cao ý thức tự giác phòng bệnh, thực hiện nghiêm 5K. Đặc biệt, không vì độ phủ vaccine rộng mà sinh chủ quan. Các đơn vị, địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ” và nâng cao năng lực y tế từ cấp tỉnh thành xuống đến cơ sở. Chính quyền cơ sở cũng phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, kịp thời có biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định phòng chống dịch.

Tin cùng chuyên mục