Mở đường cơ chế, thúc đẩy thực thi

Chỉ 1 năm sau ngày Quốc hội có nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 TPHCM, đã có tổng cộng 335ha/410ha đất (thuộc TPHCM) được thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư, đạt tỷ lệ 81,5%, cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70%.
Khu vực phường Long Bình, TP Thủ Đức sẵn sàng với cột mốc giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3 TPHCM (ảnh chụp sáng 16-6-2023). Ảnh: HOÀNG HÙNG
Khu vực phường Long Bình, TP Thủ Đức sẵn sàng với cột mốc giải phóng mặt bằng cho dự án Vành đai 3 TPHCM (ảnh chụp sáng 16-6-2023). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhìn lại diễn trình trước khi dự án được khởi công cho thấy sự nhất quán - đồng tâm - hiệp lực từ chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp tháo gỡ, triển khai của các bộ ngành đến thẩm định và quyết định thông qua chủ trương của Quốc hội.

Tất cả các khâu, từ tiếp nhận đến phản hồi và ban hành văn bản chính thức, từ trung ương xuống địa phương đều nhanh và trôi chảy.

Không những thế, dự án đường Vành đai 3 TPHCM còn mở ra những tiền lệ tích cực, trong đó các nguồn lực thực thi được dự báo, dự phòng và dự toán rất sớm. Chỉ tính riêng về nguồn vốn, trung ương đã “mở” các dòng: điều chuyển nguồn vốn đã bố trí cho Bộ GTVT giao về cho các địa phương; bố trí nguồn ngân sách trung ương chưa phân bổ cho dự án về các địa phương; tăng tổng mức vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Thay vì phải làm theo thứ tự thì lần đầu tiên dự án được phép áp dụng cơ chế chuyên gia tham vấn cho dự án ngay từ giai đoạn chuẩn bị tiền khả thi. Đặc biệt, dự án triển khai đồng thời các thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các công việc, như: báo cáo đánh giá tác động môi trường; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch liên quan; lựa chọn nhà thầu… Đó là chưa kể việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Là dự án mang tầm vóc liên vùng nên tính kết nối - phân vai giữa các địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiến độ, cũng như sự hỗ trợ đồng bộ về mọi mặt để đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Cách giải nút thắt khâu vật liệu xây dựng cho dự án là một ví dụ. Trên cơ sở được áp dụng các cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khi thấy trước việc thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin về các mỏ cát khu vực hồ Dầu Tiếng và đề nghị UBND các tỉnh bạn cho phép khai thác để phục vụ dự án.

Một trong những thành quả lớn nhất cho đến khi dự án khởi công, đó chính là sự đồng thuận của người dân, qua tỷ lệ thu hồi mặt bằng đạt 81,5%, nhờ mức đền bù tiệm cận giá thị trường, niêm yết minh bạch, hồ sơ và thủ tục tiến hành nhanh, gọn. Đi cùng với đó là TPHCM cũng chuẩn bị quỹ nhà tái định cư, quỹ căn hộ chung cư và các chính sách cho trả chậm, trả góp để đảm bảo chất lượng cuộc sống, ổn định cho người dân bị thu hồi đất ở dự án.

Sau cùng và trên hết của mọi dự án là phục vụ lợi ích chính đáng của người dân; đầu tư, mở rộng, liên thông các dự án hạ tầng - giao thông đến đâu là thúc đẩy, phát triển, nâng cao đời sống “an cư”, cơ hội “lạc nghiệp” của người dân, doanh nghiệp đến đó.

Những “tiền lệ” tích cực, những điểm sáng đầu tiên về mặt cơ chế - hạ tầng - nhân lực của dự án đường Vành đai 3 TPHCM sẽ mở ra một quy trình pháp lý chặt chẽ, một lộ trình thực thi thông thoáng không chỉ cho các dự án hạ tầng đô thị quan trọng của thành phố sắp tới mà còn cho thực tiễn trên cả nước.

Tin cùng chuyên mục