Mô hình chính quyền đô thị khơi thông nguồn lực

Tại kỳ họp lần thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận trực tuyến và thảo luận hội trường về Dự thảo Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Theo chương trình, Nghị quyết được xem xét thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn một kỳ họp. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm theo dõi đặc biệt của người dân TPHCM.

Trong các phiên thảo luận, hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều thể hiện sự đồng tình và phân tích sâu sắc về sự cần thiết, tính hợp lý, cũng như các vấn đề cần lưu ý khi được cho phép triển khai đề án. Điều đó khẳng định ý chí đổi mới về hoạt động lập pháp của Quốc hội, thúc đẩy sự đột phá về thể chế. Trường hợp này được xem là bước tháo gỡ quan trọng, hết sức có ý nghĩa cho sự phát triển của TPHCM.

Có đại biểu cho rằng, việc cho phép TPHCM thực hiện tổ chức chính quyền đô thị  là “giảm ùn tắc về thể chế”, khơi thông nguồn lực, làm tăng năng suất cho đầu tàu kinh tế cả nước; việc để cho những đô thị, đặc biệt là siêu đô thị như TPHCM, cùng khoác chiếc áo đồng phục như nông thôn là không thể hình dung được…

Cho phép TPHCM triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị là một xu thế tất yếu, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị, đáp ứng yêu cầu cải cách, phát triển. Qua đây, sẽ tạo điều kiện khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, làm cho bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản bộ máy, biên chế, cải cách chế độ công vụ, công chức, tiết kiệm ngân sách… Xét cho cùng, lợi ích mang lại lớn nhất là phục vụ dân sẽ tốt hơn, nhanh hơn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Trình Quốc hội xem xét đề án lần này là sự ấp ủ, nghiên cứu, chuẩn bị nhiều năm của lãnh đạo TPHCM. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn gần 7 năm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. Ở thời điểm này, các cơ sở chính trị, pháp lý cũng đã khá đầy đủ, mở đường cho việc Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

Khi không tổ chức HĐND ở quận, phường, thì chức năng, quyền giám sát được giao cho HĐND thành phố, các đại biểu HĐND thành phố. Cơ chế giám sát còn có sự giám sát của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Cùng với sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc thực hiện dân chủ trực tiếp sẽ được tăng cường như xin ý kiến người dân đối với những vấn đề quan trọng, đẩy mạnh trách nhiệm giải trình, đối thoại, tiếp dân của người đứng đầu cơ quan chính quyền các cấp với dân… Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tần suất tiếp xúc cử tri và lập kênh thông tin để cử tri và người dân tương tác với đại biểu, với chính quyền sẽ góp phần xử lý công việc nhanh chóng và hiệu quả.

Khi mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM được phép triển khai, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm lớn của TPHCM trước Quốc hội, trước Nhân dân. Nhiều việc lãnh đạo TPHCM sẽ phải tập trung làm tốt như tổ chức, sắp xếp, bố trí nhân sự; xây dựng các quy chế phối hợp trong hoạt động giám sát; xây dựng quy chế làm việc của UBND quận, phường...

Để thực hiện nguyên tắc chính quyền đô thị chủ yếu là quản lý theo ngành, lĩnh vực, sẽ phải quy định nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện cần cho giám đốc sở, ngành. Theo đó, cần khuyến khích, tiến tới áp dụng chế độ thủ trưởng trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Cần quy định rõ trách nhiệm từng việc và từng khâu trong quy trình xử lý công việc nhằm hạn chế rủi ro cho cán bộ công chức khi thi hành công vụ. Khi có sai sót thì quy được trách nhiệm cụ thể trong từng khâu, từng việc đó theo kiểu “mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống còn có những quy định, những hướng dẫn từ các cơ quan trung ương, sẽ có nhiều công việc đặt ra trước mắt và lâu dài, quan trọng là tạo sự đồng thuận, đồng tâm, hiệp lực để mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được phát huy hiệu quả, kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, xứng đáng thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.

Tin cùng chuyên mục