Theo tìm hiểu của chúng tôi, phương pháp diện chẩn đã “vang tiếng” từ 30 năm qua, không chỉ vì phương pháp của nó mà còn vì những tranh cãi công nhận hay không công nhận và những chuyện lùm xùm quanh việc chữa bệnh ngoài luồng của “Tiến sĩ” Bùi Quốc Châu cùng các học trò.
Tay ngang được phong tiến sĩ
Dù chưa được công nhận là phương pháp chữa bệnh nhưng suốt 30 năm qua, có tới hàng trăm ngàn người tới khám và điều trị tại các phòng mạch chui do ông Châu cùng các môn sinh thực hiện. Thậm chí, số hội viên diện chẩn cũng lên tới cả ngàn người khắp trong và ngoài nước. Vậy diện chẩn là gì mà môn đồ của nó còn đông đảo hơn các hội chuyên ngành khác?
Theo ông Bùi Quốc Châu, liệu pháp diện chẩn dựa trên nguyên tắc phản xạ theo lý thuyết Âm Dương và Ngũ Hành, căn cứ theo khả năng của cơ thể, hệ thống kinh lạc và các cơ quan, bộ phận cơ thể đều có các vị trí tương ứng ở mặt. Khi tác động vào các điểm tương ứng này hoặc những chỗ có bệnh lý trên cơ thể, có thể có hiệu quả điều trị các bệnh thông thường như mất ngủ, đau lưng mỏi cơ, đau khớp, cao huyết áp...
Với bí quyết dò huyệt đạo riêng của mình, ông Châu đã công bố mình tìm ra khoảng hơn 500 huyệt trên mặt tương ứng với các bộ phận trên cơ thể; đồng thời ông Châu đã hệ thống hóa chúng thành đồ hình trên mặt, tìm ra nhiều loại dấu hiệu báo bệnh, xây dựng thành bộ môn chẩn đoán gọi là diện chẩn.
Từ đó, ông Châu đề ra một số cách chữa bệnh chỉ trong phạm vi mặt như châm cứu, chích, lể, day bấm, bôi dầu, dán cao. Thời gian đầu, ông chủ yếu dùng kim châm huyệt nhưng sau đó sợ có thể làm lây lan bệnh truyền nhiễm nên ông Châu đã thay thế kim châm huyệt thành cây dò huyệt hoặc con lăn.
Lý giải việc đến với nghề y, ông Châu cho biết, năm 1964, ông được lão danh y Lê Văn Kế, rồi Trần Đắc Thưởng, Khương Duy Đạm truyền nghề. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia Lực lượng Thanh niên xung phong và rồi được phân về làm việc ở Trung tâm Cai nghiện Bình Triệu.
Trong quá trình châm cứu cắt cơn nghiện cho bệnh nhân, ông quan sát và đúc kết những kinh nghiệm, cho ra đời liệu pháp chữa bệnh vào năm 1980. Sau khi sáng lập liệu pháp diện chẩn cùng âm dương khí công, ẩm thực dưỡng sinh…, ông đã được Tổ chức “The open international university for complementary medicines” của Sri Lanka tặng danh hiệu tiến sĩ khoa học danh dự.
Ngoài ra ông Châu cũng được trao tặng danh hiệu Tiến sĩ Y học bổ sung và danh hiệu “Ngôi sao châu Á”, được mời đi giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Australia, Trung Quốc, Cuba…
Buông lỏng hay thờ ơ?
Trao đổi với chúng tôi, một thầy thuốc đông y cho rằng, việc thực hiện theo phương pháp bấm huyệt đạo của ông Châu ít nhiều có những tác dụng đối với một số căn bệnh thông thường. Thầy thuốc này cũng đánh giá rằng tuy số huyệt đạo do ông Châu tìm ra, đúng sai còn chưa rõ, tác dụng như thế nào nhưng số huyệt đạo mà ông Châu tự mày mò ra nhiều hơn rất nhiều so với số huyệt đạo có trong sách do người xưa để lại.
Điều đáng ghi nhận, ông Châu đã có công đặt số thay cho tên gọi huyệt đạo trước đây. Nét lạ nữa là đồ hình huyệt đạo do ông Châu phác thảo theo hình ảnh tư thế cơ thể con người trên mặt. Tuy nhiên lương y này cũng cho rằng, việc chữa bệnh phải khoa học và tuân thủ luật pháp chứ không thể dựa trên sự cảm tính của người bệnh.
Tuy nhiên, cũng có những lương y cho rằng, việc tìm ra quá nhiều huyệt đạo như vậy là không có cơ sở. Và cách chữa bệnh bằng châm cứu bấm huyệt, massage như ông Châu áp dụng không có gì mới.
Đến nay, liệu pháp diện chẩn của ông Châu vẫn chưa được các cơ quan chức năng của TPHCM và Bộ Y tế cho phép thực hiện vì chưa đủ cơ sở khoa học. Được biết, sau khi phương pháp diện chẩn ra đời và gây hiệu ứng nhiều chiều trong dư luận, Bộ Y tế, chính quyền TPHCM cũng như ban ngành chức năng đã tạo nhiều điều kiện cho ông Châu cung cấp tài liệu, báo cáo để thẩm định. Thậm chí còn cho ông Châu tham gia thực hiện việc điều trị tại một số bệnh viện như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, 30-4…
Tuy nhiên, tại 3 bệnh viện trên, ông Châu chỉ tham gia một thời gian rồi bỏ ngang. Khi Bộ Y tế đề nghị ông Châu cùng phối hợp để làm rõ và chứng minh cơ sở lý luận cũng như hiệu quả của liệu pháp thì ông Châu không hợp tác. Khi Sở Y tế TPHCM yêu cầu ông Châu tham gia học lớp lương y rồi sau đó cấp chứng chỉ hành nghề, ông Châu cũng không chấp nhận.
Ông Châu lý giải rằng khi ông đăng ký cũng như báo cáo về liệu pháp diện chẩn, có một số người đố kỵ gây khó dễ cho ông. Chẳng hạn như việc bắt ông vào thực hiện điều trị trong các bệnh viện rồi dựa trên đó làm kết quả để phản bác phương pháp diện chẩn thì khác gì hại ông (?).
Thứ nhất, ông không có thời gian. Thứ hai, phương pháp của ông khác với Tây y nên đem quan điểm Tây y ứng dụng vào liệu pháp của ông, khác nào đem thước đo chiều dài mà đo độ. Ví dụ, điều trị bệnh nhân bị gai cột sống, cách điều trị của ông Châu là khiến bệnh nhân hết đau, giảm đau nhưng gai cột sống có thể vẫn còn.
Còn Tây y lại cho rằng, nếu điều trị không hết, vẫn còn gai cột sống, chưa thể công nhận là khỏi. Với số lượng hàng trăm, hàng ngàn người bệnh thấy đỡ, thấy hiệu quả thì sao Sở Y tế TPHCM, Bộ Y tế không lấy đó làm bằng chứng mà bắt ông chứng minh? Ông Châu cho rằng như thế là bắt chẹt ông. Vì liệu pháp của ông chỉ điều trị chức năng, điều trị triệu chứng nên có nhiều cái không chứng minh cụ thể như Tây y được. Ngoài ra, liệu pháp này cũng như nhiều phương pháp điều trị khác, có thể điều trị hiệu quả với người này nhưng chưa chắc có hiệu quả với người khác vì mỗi người có một cơ địa khác nhau.
Do cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung khiến việc làm rõ hiệu quả của phương pháp này đi vào ngõ cụt, trở thành vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Ngoài ra, việc xử lý không kiên quyết và dứt khoát của ngành chức năng đã khiến ông Châu cùng các học trò của mình tự hành nghề tuy không được công nhận.
Nếu thực sự phương pháp này có lợi thì cơ quan chức năng cần cấp phép cho ông Châu hoạt động, còn nếu không, phải có biện pháp chấm dứt nhằm đảm bảo sức khỏe người bệnh cũng như sự công bằng và uy tín của các thầy thuốc đông y chân chính khác.
Tiến Đạt