Mỏi mòn chờ vốn vay mua nhà ở xã hội

Sau khi kết thúc gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, người thu nhập thấp vẫn chưa có được nguồn vốn vay ưu đãi để mua nhà mặc dù đầu tháng 6-2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định hỗ trợ lãi suất mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức 4,8%/năm.
Mỏi mòn chờ vốn vay mua nhà ở xã hội

Sau khi kết thúc gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, người thu nhập thấp vẫn chưa có được nguồn vốn vay ưu đãi để mua nhà mặc dù đầu tháng 6-2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định hỗ trợ lãi suất mua, thuê mua nhà ở xã hội với mức 4,8%/năm.

Chỉ còn 6 tháng, vẫn chưa được vay

Với sự lo lắng người thu nhập thấp sống tại các đô thị sẽ càng khó mua nhà ở sau khi gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất vay 5%/năm vừa kết thúc, NHNN khẳng định người mua nhà vẫn có cơ hội mua nhà ở giá rẻ, đó là mua nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10-12-2015.

Ngày 9-12-2015, NHNN đã có Thông tư 25/2015 hướng dẫn tổ chức tín dụng cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội và có công văn chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng cổ phần thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội theo nghị định này.

Ngày 6-6-2016, Chính phủ mới có Quyết định 1013/2016 về mức lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8%/năm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và quyết định này có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2016, được áp dụng cho tất cả các khoản vay còn dư nợ trong năm 2016. Như vậy có nghĩa là, chỉ còn 6 tháng nữa là kết thúc chương trình cho vay ưu đãi này nhưng đến nay, người dân “gõ cửa” Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng quốc doanh được chỉ định cho vay vẫn chỉ nhận được câu trả lời “chưa triển khai”.

Dự án nhà ở cho người thu nhập trung bình tại quận 7, TPHCM

Anh Hoàng Hòa, một công chức nhà nước làm việc tại quận Thủ Đức, TPHCM, cho hay, cách đây 2 tháng, vợ chồng anh tìm được căn hộ khoảng 1 tỷ đồng tại quận Thủ Đức, định vay gói 30.000 tỷ đồng để mua thì được các ngân hàng cho biết đã kết thúc cho vay gói ưu đãi này từ tháng 3-2016. Vợ chồng anh đành gác giấc mơ an cư lại vì không thể kham nổi lãi vay mua nhà thông thường. Mới đây, khi biết Chính phủ vừa có quyết định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn cả gói 30.000 tỷ đồng, chỉ ở mức 4,8%/năm, vợ chồng anh Hòa đã rất phấn khởi và hy vọng sớm được vay vốn giá rẻ mua nhà. Thế nhưng đã gần 1 tháng sau khi có quyết định này, vợ chồng anh Hòa vẫn chỉ được các ngân hàng trả lời chờ hướng dẫn “ở trên”.

“Tôi được biết gói cho vay này sẽ kết thúc vào cuối năm nay nhưng bây giờ vẫn chưa được vay và không biết quy trình, thủ tục và điều kiện đủ ra sao. Thời hạn cho vay ngày càng ngắn mà số lượng người vay lại rất nhiều nên không biết tôi có “chen chân” nổi để vay hoặc có phải “chạy chọt” để được vay kịp thời hạn kết thúc gói vay này hay không?”, anh Hòa bày tỏ sự lo lắng.

Về việc này, một vị lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết đã làm việc với 4 ngân hàng được chỉ định. Hiện các ngân hàng thực hiện quy trình và triển khai nội bộ để sẵn sàng triển khai cho vay nhưng… chưa có nguồn vốn (?!). Lãnh đạo chi nhánh Ngân hành Chính sách xã hội tại TPHCM cũng cho biết, hiện vẫn đang chờ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam triển khai.

“Tắc” vốn cho nhà ở xã hội

Mặc dù Chính phủ đã đồng ý cho tiếp tục triển khai việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đến cuối năm 2016 nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã không được giải ngân kể từ ngày 1-6-2016. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, TPHCM có quy mô dân số lên đến 13 triệu người với hơn 2 triệu hộ gia đình, trong đó có khoảng 3 triệu người nhập cư, hơn 200.000 cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang với đa số là người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp đang có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Chính vì thế, việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội là rất cấp thiết.

Thực tế cho thấy, Chương trình nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014 đang bị ách tắc và các bộ - ngành vẫn đang loay hoay trong việc bố trí vốn cho nhiệm vụ này. Theo HoREA, vướng mắc lớn nhất là vấn đề bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Chính vì thế, ngày 24-6, HoREA đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách để NHNN có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện sớm chính sách nhà ở xã hội.

Liên quan đến việc Bộ Tài chính đang trình Chính phủ sửa đổi NĐ 100/2015 theo hướng bỏ nội dung quy định Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội, HoREA không đồng tình vì cho rằng, ngân hàng này và 4 ngân hàng quốc doanh do NHNN chỉ định thực hiện cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014 là phù hợp. Cùng với đó, HoREA cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xây dựng chính sách tiết kiệm nhà ở xã hội là hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện việc gửi tiết kiệm nhà ở xã hội với thời gian tối thiểu 12 tháng, để tạo thêm nguồn vốn thực hiện chương trình nhà ở xã hội và đảm bảo công bằng cho các đối tượng thụ hưởng.

HoREA cũng không nhất trí với ý kiến của Bộ Tài chính về kiến nghị Chính phủ quy định lại lãi suất cho vay bằng mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc NHNN quyết định áp dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, kỳ hạn ngắn; không cấp bù chênh lệch lãi suất; NHNN thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn hiện hành. Theo đó, HoREA đã đề nghị vẫn thực hiện theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 đó là Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài hạn thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình mục tiêu về nhà ở và xây dựng nhà ở xã hội vì quy định này sẽ hỗ trợ rất thiết thực cho người thu nhập thấp đô thị tiếp cận nhà ở xã hội.

Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Chính phủ cho phép NHNN thực hiện cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho các DN và hỗ trợ các ngân hàng thương mại tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội. Để không vượt quá khả năng ngân sách, Bộ Xây dựng và  UBND các tỉnh - thành phố cần cân đối kế hoạch phát triển nhà ở xã hội hợp lý bố trí trong giai đoạn 2016-2020. HoREA cũng đề nghị NHNN ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội bằng mức vay 4,8%/năm của QĐ 1013/2016 áp dụng trong năm 2016 tại 4 ngân hàng quốc doanh được chỉ định tham gia chương trình nhà ở xã hội để các ngân hàng thực hiện thống nhất. 

 Theo Quyết định số 1013/2016, lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm. Khoản nợ quá hạn, lãi suất được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay. Các đối tượng được vay ưu đãi bao gồm: người thu nhập thấp, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức… Riêng đối với người mua, thuê nhà ở xã hội sẽ được vay tối đa 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội. Trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục