Những ngày cận lễ kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, công việc của người trực tiếp lãnh đạo, điều hành hoạt động UBND TPHCM càng thêm tất bật. Tranh thủ trước giờ đi thị sát tình hình thực hiện các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ đưa vào sử dụng vào dịp lễ này, sáng 29-8, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã dành cho PV Báo SGGP gần 1 giờ để trò chuyện. Cuộc trò chuyện ấy dù diễn ra nhanh chóng, nhưng có rất nhiều vấn đề “nóng” mà người dân TP quan tâm được đặt ra với Chủ tịch.
- PV: Vì hạ tầng giao thông đô thị đang là nỗi bức xúc của người dân TP nên dịp lễ 2-9 này, TP đã quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để đưa 2 công trình lớn là cầu Phú Mỹ và đại lộ Đông Tây giai đoạn 1 vào sử dụng như một món quà dành cho nhân dân TP. Chủ tịch có thể nói thêm ý nghĩa kinh tế - xã hội của những công trình này? Từ nay đến cuối năm, TP có những công trình nào về đích tương tự như vậy?
Chủ tịch LÊ HOÀNG QUÂN: Trong thời gian qua, bằng nhiều hình thức đầu tư xây dựng, nhiều hình thức huy động vốn, TP đã có nhiều công trình giao thông trọng điểm được thực hiện hoàn tất, đưa vào sử dụng. Cầu Phú Mỹ là cây cầu dây văng đầu tiên, cũng là cây cầu hiện đại và lớn nhất TPHCM, là cây cầu có hai mặt phẳng dây văng lớn nhất Việt Nam. Sau khi đưa vào khai thác chính thức, cùng với cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ sẽ nối liền quận 7 với quận 2, quận 9 và tạo sự liên thông nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, phục vụ phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, thu hút đầu tư khu dân cư bên kia sông Sài Gòn.
Riêng dự án đại lộ Đông Tây giai đoạn 1 bắt đầu từ quốc lộ 1A ở huyện Bình Chánh đi qua địa bàn các quận 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân đến xa lộ Hà Nội tại khu vực ngã ba Cát Lái với tổng chiều dài 21,89km; khi hoàn thành sẽ là con đường huyết mạch liên kết chặt chẽ các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo tiền đề cho việc giãn dân nội thành về phía Đông và Nam TP, đặc biệt góp phần quan trọng hình thành trung tâm tài chính, thương mại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, góp phần chỉnh trang đô thị dọc tuyến kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, xây dựng tuyến kênh có cảnh quan đẹp, có môi trường trong sạch và thân thiện với người dân TP.
Việc phát triển hạ tầng giao thông đang là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm hàng đầu của chính quyền TP. Từ nay đến cuối năm 2009, TP sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu tiếp tục hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm như: nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đường trục Bắc Nam giai đoạn 2, mở rộng tỉnh lộ 10, xây dựng đường trên cao nối từ Khu A Nam Sài Gòn đến cầu Phú Mỹ… Các công trình này sẽ góp phần đáng kể cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay.
- Năm 2009, xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội, ký túc xá cho sinh viên là một trong những chương trình trọng điểm của TPHCM nên thời gian qua lãnh đạo TP đã có nhiều cuộc họp để chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt. Chủ tịch cho biết hiện các dự án này đã thực hiện đến đâu, khi nào sẽ hoàn thành và khi đưa vào sử dụng thì sẽ giải quyết được bao nhiêu phần trăm nhu cầu?
TP có khoảng 320.000 sinh viên đang học tập, trong đó 70% sinh viên đến từ các tỉnh, nhu cầu về chỗ ở khoảng 230.000 chỗ, tuy nhiên các ký túc xá của các trường đại học, cao đẳng hiện nay mới đáp ứng được khoảng 40.000 chỗ (17% nhu cầu). Theo quy hoạch xây dựng TPHCM đến năm 2020, TP sẽ di dời các trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành để hình thành các khu đô thị đại học. Dự kiến đến năm 2020, TP sẽ hoàn thành việc xây dựng các khu ký túc xá đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 280.000 sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, TP đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện chương trình này, chỉ đạo các ngành có liên quan khảo sát thực tiễn nhu cầu, xây dựng kế hoạch và đã trình Thủ tướng phê duyệt, bố trí 2.600 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư xây dựng 65.000 chỗ ở cho sinh viên.
Hiện nay, TP đã giao ĐH Quốc gia làm chủ đầu tư, được phép chỉ định thầu tư vấn lập dự án và áp dụng phương thức giao tổng thầu EPC để triển khai thực hiện nhóm dự án cụm ký túc xá trong khu quy hoạch ĐH Quốc gia để phục vụ sinh viên các trường khu vực Bắc TP (quận Thủ Đức) với quy mô khoảng 60.000 chỗ; đang rà soát tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt danh mục vốn để thực hiện nhóm các dự án ký túc xá trong khuôn viên các cơ sở đào tạo đã đủ điều kiện để triển khai khởi công trong năm 2009 và hoàn thành trong năm 2011 với tổng quy mô dự kiến khoảng 5.000 chỗ ở cho sinh viên.
Đối với chương trình nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân, đây là 1 trong 5 chương trình, công trình mang tính đòn bẩy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 8, đã được TP quan tâm chỉ đạo ngay từ năm 2006. Tính đến nay, sau 3 năm thực hiện, với chỉ tiêu phấn đấu xây dựng 1,1 triệu m² nhà ở xã hội và 1 triệu m² nhà lưu trú cho công nhân, theo báo cáo của các cơ quan chức năng thì khả năng hoàn thành 2 chỉ tiêu này là rất lớn. Cụ thể, đối với nhà ở xã hội, đã xây dựng được 5.621 căn, tương đương 833.456m² sàn (đạt 75,77% kế hoạch).
Hiện nay, TP chỉ đạo các ngành chức năng rà soát tất cả các dự án nhà ở đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá năng lực các chủ đầu tư, những khó khăn cần tháo gỡ, xây dựng các chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia chương trình. Dự kiến đến năm 2010 sẽ hoàn thành 13 dự án nhà ở cán bộ công nhân viên triển khai trước Luật Nhà ở với quy mô 1.654 nền, 250 căn hộ chung cư, tương đương 320.707m² sàn; hoàn thành 8 dự án nhà ở xã hội, tương đương 152.800m² sàn.
Đối với nhà lưu trú cho công nhân, tính đến nay đã xây dựng được 1.296.861m² sàn, vượt 29,7%. Dự kiến đến năm 2015, TP sẽ phấn đấu xây dựng 18 dự án nhà lưu trú công nhân, với tổng diện tích sàn khoảng 797.850m², ước tính số chỗ lưu trú khoảng 91.726 chỗ, đáp ứng gần 50% nhu cầu chỗ ở cho công nhân lao động.
- Quyết định số 127 của Thủ tướng về tổ chức làm việc ngày thứ bảy hàng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính là bước tiến trong cải cách hành chính. Tuy nhiên, tại TPHCM khi triển khai thực tế chương trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, thậm chí có ý kiến cho rằng chủ trương này không phù hợp với tình hình TPHCM. Quan điểm của Chủ tịch cũng như hướng tới của TPHCM về vấn đề này như thế nào?
Chủ trương làm việc ngày thứ bảy của Thủ tướng là chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP đã triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực nên đã góp phần thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp về thời gian liên hệ giải quyết thủ tục hành chính khi có nhu cầu, nhất là những người làm việc trong giờ hành chính và những hồ sơ không áp dụng hình thức ủy quyền cho người khác làm thay. Tuy nhiên, qua sơ kết 1 năm triển khai thực hiện, còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau về tính hiệu quả của việc thực hiện chủ trương này. Theo tôi, cơ quan hành chính làm việc ngày thứ bảy cần chọn lọc nơi nào có nhu cầu thì tiếp tục tổ chức, nơi nào không thì nên dừng lại. Điều quan trọng nhất là phục vụ nhân dân và doanh nghiệp sao cho có hiệu quả, thiết thực nhất, tránh triển khai tràn lan gây lãng phí.
TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có báo cáo đánh giá kết quả sâu hơn sau một năm triển khai thực hiện; trong đó cần nêu rõ các đầu việc đang thực hiện, phân tích nội dung công việc được xử lý, thẩm quyền giải quyết, mối quan hệ giữa các cơ quan, thời hạn giải quyết, chi phí hoạt động… Từ đó, TP đánh giá toàn diện tính hiệu quả làm việc sáng thứ bảy và sẽ kiến nghị với Thủ tướng.
Giọng nói từ tốn nhưng đầy tâm tư, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân bộc bạch: Lễ kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 năm nay trùng với 40 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác. Học tập tư tưởng Bác, TPHCM thật tự hào vì đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, có thể kể đến là từng bước xóa được nhà ven kênh rạch; hạn chế tình trạng xây dựng không phép, sai phép; dồn sức đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông… làm cho cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên. So với nhu cầu, có thể chúng ta chưa hài lòng nhưng đây là một quyết tâm, nỗ lực lớn của chính quyền TP và cả sự hy sinh, chia sẻ không nhỏ của nhân dân. Theo quy hoạch, thời gian tới TPHCM tiếp tục đầu tư thực hiện hàng loạt công trình dân sinh khác. Mỗi dự án, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm 60% – 65%. Vì vậy, lãnh đạo TP rất mong các tầng lớp nhân dân, nhất là bà con chịu ảnh hưởng bởi dự án, đồng hành, góp sức cùng chính quyền TP. Chắc chắn bà con sẽ bị thiệt thòi một phần nào đó nhưng chỉnh trang được bộ mặt đô thị của TP. |
Vân Anh thực hiện