
Mới đây, ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) có một thùng bánh mì từ thiện. Mỗi người đi qua có thể lấy một ổ. Một chút thức ăn sáng cũng làm đỡ lòng cho chị bán ve chai, anh xe ôm hay chú học trò vội vã đến lớp… Như vậy là đã có thêm một điểm son cho tấm lòng nhân ái của người dân Sài Gòn.

Ở một số quán cơm chay ở thành phố cũng thường có thức ăn miễn phí giúp người khó khăn. Có quán cứ thứ bảy, chủ nhật là có thêm 30 phần thức ăn miễn phí, khi là bánh mì chay, lúc bánh cuốn hay bún. Có quán vào ngày mùng một hay ngày rằm thì treo bảng có thức ăn miễn phí để giúp người nghèo. Những món quà nhỏ ấy theo những người có từ tâm chia sẻ, đều nói: Đó là một chút để ấm lòng, chỉ mong họ có công ăn việc làm, ngày càng dành dụm được, thoát cảnh khó khăn.
Một bà cụ sáng đi tập thể dục xong, liền ghé ngang một tổ nấu cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện. Bà gọt củ, lặt rau cho đến trưa rồi mới về nhà. Bà nói: Nhiều người ủng hộ tiền cho bếp ăn từ thiện, bà góp một chút sức làm phước cho vui. Rồi bà cho biết, ngoài người ủng hộ bằng tiền, còn có nhiều người buôn bán ủng hộ gạo, nước tương, rau củ… Còn bà và một số người khác thì bỏ công ra nấu nướng, xong có người chở vào các bệnh viện phát cho bệnh nhân nghèo. Một hộp cơm đến tay người bệnh được hơn vài chục, vài trăm bàn tay góp vào. Người góp công, góp của vào các tổ nấu cơm từ thiện như bà cụ nhiều lắm. Cứ đến các bệnh viện: Ung bướu, Nhi đồng, Mắt, Chợ Rẫy, Nhân dân 115… mới thấy phong trào phát cơm từ thiện rộng khắp như thế nào. Nhiều người làm từ thiện xem như là chuyện họ phải làm, không cần báo đáp: Một chút làm từ thiện thế thôi!
Một chút nhưng là một tấm lòng nhân ái lớn. Một đốm lửa nhân ái sẽ nhen mầm cho nhiều đốm lửa nhân ái khác, cứ thế rồi lan rộng, lan xa…
Nguyên An