Một lẽ sống cao đẹp tuyệt vời

Thờ những người có công với nước với dân và thờ Tổ tiên là những người có công trong xây dựng đời sống gia đình, dòng họ, đó là phong tục tốt đẹp đã có từ lâu đời của dân ta. Công với nước, với dân được người đời ghi nhận lớn nhất là công của các anh hùng liệt sĩ.

Chúng ta đã tưởng nhớ, ghi ơn và thờ các Vua Hùng đã có công dựng nước, thờ các nhân vật lịch sử đã phất cao cờ nghĩa diệt thù, giữ nước. Đối với các liệt sĩ đã xả thân cứu nước từ thời xa xưa không để lại tên, dân ta đã dựa vào truyền thuyết để tôn thờ một biểu tượng về tuổi trẻ chí lớn, với cái tên là Gióng. Gióng ở làng Phù Đổng nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, được phong là Thánh Gióng, là Phù Đổng Thiên Vương, người đã góp công đánh thắng giặc Ân xâm lược, thời Hùng Vương thứ 6.

Trong bài “Lịch sử nước ta”, Bác Hồ đã viết:

“Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ em Phù Đổng tiếng vang muôn đời
Tuổi tuy chưa đến chín, mười
Ra tay cứu nước, diệt loài xâm lăng”.

Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở nước ta, khi có giặc ngoài đến xâm lược, các liệt sĩ đã quên mình để bảo vệ nền độc lập của đất nước do vua làm chủ, coi đó là nghĩa vụ thiêng liêng, với ý nghĩ rằng “nước là của vua” đã được sách trời quy định. Lòng yêu nước của dân ta rất đặc biệt. Giặc Pháp đến xâm lược, Vua nhà Nguyễn đầu hàng, nhưng dân quyết không hàng, vẫn tiếp tục theo các ngọn cờ nghĩa, đấu tranh giành độc lập. Có trường hợp lại phong chức danh “Bình Tây Đại Nguyên soái” cho người lãnh đạo của mình, như đối với vị anh hùng Trương Định.

Từ khi công cuộc giành độc lập để dân làm chủ được đề xướng, cuộc đấu tranh quên mình của liệt sĩ có thêm ý nghĩa mới: vì nước gắn với vì dân. Chúng ta lại còn có những liệt sĩ xả thân vì nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Việc kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ ở nước ta đã trở thành một trong những ngày lễ hội lớn hàng năm. Suy nghĩ về ngày này, chúng ta nhận thức được một lẽ sống vô cùng cao đẹp.

Trước hết là lẽ sống của các liệt sĩ. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946, có nêu hai chữ: “Hy sinh”. “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Hy sinh tất cả là một yêu cầu rất cao, trong đó sự hy sinh của liệt sĩ cho dân, cho nước là ở mức cao tột cùng. Đó là sự xả thân, tức là hy sinh đến xương, đến máu. Biết rằng, trực tiếp đương đầu với giặc thù cướp nước vô cùng hung bạo, có thể chết, nhưng không sợ. Trong danh sách liệt sĩ được ghi bằng chữ vàng trên đá hoa cương và được thờ ở Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi) còn có những liệt sĩ đã xả thân bằng tự biến mình thành ngọn lửa sáng ngời lẽ sống vì nước, vì đạo nghĩa.

Nghĩ đến các thương binh, những người từng dấn thân nơi trận mạc, xông pha dưới mưa bom bão đạn, sẵn sàng bỏ mình vì nghĩa lớn, nhưng không chết mà mang thương tật. Thương binh của chúng ta phải dai dẳng đương đầu với những thử thách rất gay gắt trong cuộc sống đời thường, nhưng nhiều thương binh của chúng ta đã phấn đấu theo một lẽ sống: thương binh tàn nhưng không phế. Nhiều anh em thương binh đã đạt được những thành tích kỳ diệu.

Đối với những người thân trong gia đình của liệt sĩ thương binh lại có một lẽ sống khác biệt, sống trong sự chịu đựng khắc phục khó khăn và kềm nén nỗi đau. Nghĩ rằng thương khóc mà để người khác biết sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, không dám cho chồng con ra trận nên chờ đến đêm khuya mới thầm chảy nước mắt về nỗi đau mất chồng, mất con. Tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi), có một tác phẩm điêu khắc, biểu tượng “Hồn thiêng đất nước” đã khắc họa nổi lên hình dáng của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Rành. Mẹ Rành quê ở ấp Trúc Đèn, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, có 8 con là liệt sĩ. Mẹ nay không còn sống nữa. Nhưng sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, trong cuộc gặp mặt để chúc mừng các Mẹ Việt Nam Anh hùng, mẹ Rành đã để lại một câu nói, với lời rất hay, ý rất đẹp: “Mất 8 con, 8 lần má đau như đứt ruột, nhưng má vui, vì được nước”.

Lẽ sống của liệt sĩ, lẽ sống của thương binh, lẽ sống của người mẹ, người vợ trong các gia đình thương binh liệt sĩ là một lẽ sống rất cao đẹp, cao đẹp tuyệt vời.

Lẽ sống đó là nội dung cốt lõi của chữ “đạo” trong đạo đức, đạo lý, đạo trong thơ Nguyễn Đình Chiểu:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Lẽ sống đó là cốt lõi trong dòng chủ lưu của văn hóa Việt Nam: lòng yêu nước.

Tôn vinh một lẽ sống đẹp, thực hiện theo đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là việc làm “phải đạo” của mỗi người, là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn xã hội.

Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương “Học tập và làm theo gương đạo đức Bác Hồ” trong đó đức hàng đầu là trung với nước, hiếu với dân. Đó cũng chính là lẽ sống cao đẹp của các liệt sĩ, thương binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng được toàn xã hội ngưỡng mộ. Cần làm cho lẽ sống cao đẹp đó trở thành động lực về ý chí, về tinh thần mạnh hơn nữa trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, để xây dựng đất nước mau chóng đi lên.

“Máu hồng tỏa hương chính khí
Nhân kiệt làm nên địa linh
Đất nước lớn vì nhân dân anh hùng
Nhân dân lớn vì tấm lòng yêu nước”.

Đó là mấy câu trong bài văn bia ở Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi), một kiệt tác của nhà thơ Viễn Phương đã quá cố, được nhiều người cho là chí lý, rất đúng, rất hay.

TRẦN TRỌNG TÂN

Tin cùng chuyên mục