Mua thuốc điều trị Covid-19 trên mạng: Coi chừng “tiền mất, tật mang”

Số ca mắc Covid-19 mới tại TPHCM đang có chiều hướng tăng cao trở lại, trung bình hơn 1.000 ca/ngày, nên số F0 cách ly điều trị tại nhà cũng tăng theo. Do đó, đang có tình trạng thiếu thuốc cấp phát cho người bệnh, nhất là túi thuốc C (thuốc Molnupiravir kháng virus trong chương trình thử nghiệm thuốc) hỗ trợ điều trị cho người bệnh còn hạn chế. 
Nhân viên Trạm Y tế phường 11 (Bình Thạnh) thăm khám và cấp phát thuốc cho người bệnh tại nhà. Ảnh: BÙI TUẤN
Nhân viên Trạm Y tế phường 11 (Bình Thạnh) thăm khám và cấp phát thuốc cho người bệnh tại nhà. Ảnh: BÙI TUẤN

Thiếu thuốc phát người bệnh 

Ngày 2-12, vợ chồng bà L.T.H. (62 tuổi, ngụ phường Thảo Điền, TP Thủ Đức) tự test nhanh, phát hiện đều dương tính. Bà H. khai báo y tế và được phát túi thuốc điều trị F0. Tuy nhiên, nhân viên y tế chỉ cấp gói thuốc B. “Khi nhân viên y tế đến thăm khám, họ cho vợ chồng tôi cách ly tại nhà và có cho gói thuốc A, B. Tuy nhiên, lúc trao đổi với y bác sĩ, cả hai vợ chồng đều có bệnh nền cần túi thuốc C thì được biết túi thuốc này đã hết, phường đang đợi trên cấp về”, bà H. nói.

Tương tự, sau khi test nhanh dương tính tại nhà, chị Ng.T.T. (45 tuổi, phường An Phú, TP Thủ Đức) khai báo với trạm y tế phường và cũng chỉ được cấp túi thuốc A. Chị đề xuất được cấp túi thuốc C, nhưng nhân viên cho biết không còn và cho số điện thoại của tổ y tế lưu động khu phố, khẳng định khi có túi C sẽ mang cho chị. “Lo bệnh trở nặng và được người thân giới thiệu, tôi lên mạng tìm hiểu rồi đặt mua thuốc Molnupiravir cho gia đình, mất gần chục triệu đồng”, chị Ng.T.T. cho hay. 

Để giải bài toán thiếu túi thuốc C, BS-CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), cho biết, 7 “tổ y tế lưu động khu phố” của bệnh viện hỗ trợ cho 7 phường khu vực 1 khi xuống thăm khám F0 tại nhà, ngoài cung cấp túi thuốc A sẽ tùy vào từng triệu chứng của bệnh nhân để cung cấp thêm thuốc PulmoAnti hoặc thuốc Remdesivir thay thế tạm thời thuốc Molnupiravir. Đây là số thuốc được bệnh viện huy động từ các nhà hảo tâm.

Theo BS Đinh Nho Tài, Trưởng trạm Y tế phường 11 (Bình Thạnh), địa bàn phường có 600 F0 đủ điều kiện điều trị tại nhà, nhưng từ ngày 17-11 đến nay, trạm chỉ nhận được 25 túi thuốc C, trong khi cơ bản đáp ứng đủ túi thuốc A, B. BS-CKII Nguyễn Hoàng Thiện Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Thạnh, chia sẻ, các gói thuốc A, B tại trung tâm và trạm y tế các phường hiện không thiếu, tuy nhiên đối với gói thuốc C, Sở Y tế TPHCM cấp cho quận 150 gói thuốc vào ngày 27-11, hiện đã hết, chưa được cấp thêm.  

Biến chứng do dùng thuốc giả

Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, thời điểm đỉnh dịch lần thứ 4 bùng phát tại thành phố, khi số ca F0 trong cộng đồng lên hàng chục ngàn, Bộ Y tế cho phép thành phố cách ly điều trị F0 tại nhà, kèm theo phát túi thuốc A (vitamin, hạ sốt), túi thuốc B (kháng viêm, kháng đông) và túi thuốc C (thuốc Molnupiravir kháng virus trong chương trình thử nghiệm thuốc)… “Do túi thuốc C đang khan hiếm, ngành y tế thành phố không đủ cấp cho người bệnh, nhưng ngoài thị trường lại được rao bán rất nhiều với mức giá phi thực tế, có nhà thuốc, trang mạng tư vấn, rao bán lên tới 7 triệu đồng/liều (40 viên với thuốc 200 mg/viên)”, BS Khanh cho hay, rồi cảnh báo: “Các loại thuốc trôi nổi trên thị trường, kể cả trong một số nhà thuốc, rất khó xác thực nguồn gốc sản xuất hoặc bị giả mạo nhãn hàng sản xuất… Người dân cần tỉnh táo, không vì mong nhanh khỏi bệnh mà mua trên mạng, coi chừng “tiền mất, tật mang”. 

Trước thực trạng mua bán tràn lan này, Sở Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện, trung tâm y tế, nhà thuốc chấn chỉnh hoạt động cấp phát, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19. Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo, việc kinh doanh trái phép các loại thuốc chưa được cấp giấy phép lưu hành có thể dẫn đến các nguy cơ về sức khỏe như bệnh trở nặng hoặc biến chứng do dùng thuốc giả, dùng thuốc không đúng chỉ định, dùng thuốc cho các đối tượng chống chỉ định hoặc không theo dõi tác dụng phụ.

Tin cùng chuyên mục