Mùa xuân còn đó…

Mùa xuân còn đó…

Với chương trình “Mùa Xuân Biên Giới 3”, đối tượng của chúng tôi đến thăm không chỉ là bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ giữ gìn biên cương những ngày Tết mà còn là những trẻ em bất hạnh, những người dân tộc thiểu số nghèo vùng sâu của hai tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum và Gia Lai.

  • Em biết mặt mẹ rồi
Mùa xuân còn đó… ảnh 1

Bé hát mừng xuân mới.

Trung tâm nuôi trẻ nhiễm dioxin và mồ côi tỉnh Kon Tum đang nuôi dưỡng 80 trẻ. Những đứa 2, 3 tuổi thấy ai đến thăm cũng ôm chân xin được bế. Các cô phóng viên báo Mực Tím đã rưng rưng nước mắt khi các cháu ôm cô không muốn buông tay.

Tây Nguyên cận Tết trời lạnh bởi sương, gió núi. Có những đứa trẻ nhiễm chất độc hóa học nặng nề đến nỗi 13 tuổi mà tưởng cháu 1 tuổi. Những gương mặt ngây ngô, dại nghệch nói líu lo những câu ngọng nghịu vô nghĩa, chỉ có những đôi mắt biết cười và âu yếm nhìn chúng tôi thân thiết.

Ở cái tuổi mà lũ trẻ được cha mẹ ủ ấm hàng đêm trong vòng tay thì các cháu mồ côi ở đây chỉ biết ôm nhau mà ngủ cho bớt lạnh. May mắn cho các cháu là nơi ấy có người “mẹ trẻ” tên Thủy và thầy giáo tập vật lý trị liệu kiêm cả cấp dưỡng tất bật như cái chong chóng để lo miếng ăn, giấc ngủ cho các cháu mà chúng tôi chẳng kịp hỏi tên.

Cũng ở đây, hàng chục cháu được trở về từ cõi chết. Tục lệ người dân tộc ở đây là mẹ chết thì các con phải chôn sống theo. Bất kể khi ấy nó mấy ngày, mấy tháng tuổi. Chuyện hai trẻ trai song sinh hai tuần tuổi bị chôn theo mẹ ở huyện Đắc Tô năm 2000 được nhiều người nhắc đến. Hai thằng con trai đang khỏe mạnh bị cha và dân làng đào huyệt chôn sống theo mẹ.

Có một chị cán bộ Hội LHPN huyện nghe chuyện tất tả đến xin nuôi cháu nhưng không được dân làng đồng ý. Họ quyết bảo vệ nấm mồ mới đắp mà tiếng khóc của hai đứa trẻ tội nghiệp vẫn vang lên ư ử dưới lòng đất lạnh. Vừa khóc chị vừa “quính quáng” gọi điện thoại báo cho ông Hà Ban (khi ấy đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum). Nghe tin, ông Hà Ban chạy xuống. Vừa đến nơi ông hét toáng lên và cùng các đồng chí ở huyện nhào vào cào đất bằng tay, bởi ông sợ cuốc xẻng va trúng người các cháu. Hai đứa trẻ tím tái, mềm oặt người sau nhiều giờ bị chôn sống đã được cứu sống, cũng vào dịp gần Tết. Hai anh em chúng được đặt tên “rất song sinh” - Hà Dương Ngọc Linh và Ngô Võ Ngọc Linh.

Bây giờ, Ngọc Linh anh và Ngọc Linh em đã vào lớp 1. Chị cán bộ phụ nữ tỉnh kể lại nhiều đứa trẻ đã nói giọng rất vui: “Con biết mặt mẹ thế nào rồi – giống cô vừa bế con vào lòng, mặc áo mới, bóc kẹo cho con ăn…”. Hỏi ra mới biết, chúng đã tự vẽ ra khuôn mặt mẹ khi được các nhà báo trẻ ôm vào lòng, nựng nịu…

  • Hẹn mùa xuân tới nhé em

Dù được khuyến cáo trước về hình hài không nguyên vẹn của cư dân làng phong PleiPhung nhưng nhiều nhà báo trẻ vẫn cứ ngớ người nhìn sững khi nhìn thấy những đôi bàn tay rụng ngón, gương mặt có nhiều hốc, lỗ trống trơ. Làng phong này ngày xưa do các sơ quản lý, nhưng sau giải phóng các sơ đã trao lại cho chính quyền với gần 200 bệnh nhân. Bây giờ, chỉ còn 79 người bệnh cũ vẫn phải uống thuốc. Những đứa trẻ tóc cháy vàng, áo quần rách te tua đưa đôi tay cáu bẩn nhận quà bánh và cười ngây thơ khi chúng tôi bày trò chơi. Bệnh hoạn khiến sức khỏe họ rất yếu, đến nỗi chỉ mang phần quà gồm dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo, đường, bột ngọt cũng phải dừng nghỉ nhiều lần trên đoạn đường về nhà.

Bà Siu Ban, đưa bàn tay không còn ngón để móc túi quà vào khuỷu rồi khập khiễng đi. Khuôn mặt với hốc mũi, hốc mắt trống trơ của bà cứ hướng về chúng tôi, ngọng nghịu nói: “Cám ơn, chúc năm mới tốt lành nhé!”. Con bé Y Lao bẽn lẽn nói giọng rất buồn khi chúng tôi hỏi cha mẹ đâu: “Mẹ đi làm rẫy. Cha không dám ra nhận quà vì “nó” rụng hết móng tay chân rồi, mặt “nó” lại nhiều lỗ to nữa, “nó” bảo người ta sẽ sợ “nó”...”.

Hết buổi chơi, lũ trẻ lẽo đẽo chạy theo chúng tôi ra xe và cười toe toét, vẫy vẫy mãi cái tay bé xinh… Hoa dã quỳ vàng trên con đường Tây Nguyên đầy bụi đỏ mùa khô. Các nhà báo trẻ nhoài người vẫy các em và hét trong gió lạnh phố núi câu hẹn: “Năm tới, gặp lại nhé em…”.

PHẠM THỤC
 

Tin cùng chuyên mục