Mục tiêu đến 2045, công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% GDP

Ngày 16-10, Trung tâm Công nghệ Sinh học TPHCM phối hợp Hội Công nghệ Sinh học Việt Nam (VBA), Sở KH-CN TPHCM tổ chức Hội nghị Khoa học Quốc tế Công nghệ Sinh học châu Á lần thứ 16 tại địa chỉ 2374 Quốc lộ 1, phường Trung Mỹ Tây (quận 12 ), với gần 400 đại biểu trong và ngoài nước tham dự.

Hội nghị kéo dài đến 19-10, tạo diễn đàn để các chuyên gia đầu ngành đến từ các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp trên thế giới thảo luận những tiến bộ khoa học, kết quả nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của công nghệ sinh học và chiến lược dẫn đến sự bền vững toàn cầu.

Chương trình gồm 2 phiên toàn thể và 36 phiên tiểu ban của 16 chuyên đề quan trọng thuộc các lĩnh vực chuyên ngành công nghệ sinh học như nông nghiệp và thực phẩm, vi sinh ứng dụng, công nghệ sinh học y tế, công nghệ nano, vật liệu sinh học, y học tái tạo, sinh học tổng hợp...

Các gian hàng trưng bày tại hội nghị

Các gian hàng trưng bày tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho biết, hội nghị là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng lực y tế và phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế đối với các nước khu vực châu Á.

Trong đó, Việt Nam với điều kiện khí hậu của một nước nhiệt đới, kinh tế đi lên từ nông nghiệp nhưng chịu ảnh hưởng nặng nề trước sự biến đổi khí hậu. Do đó, công nghệ sinh học có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là phát triển bền vững.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM phát biểu tại hội nghị

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM phát biểu tại hội nghị

Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, là trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu châu Á, trong đó công nghiệp sinh học đóng góp từ 10-15% vào GDP.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, hiện TPHCM đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, mở rộng hợp tác quốc tế với các nước Anh, Pháp, Nhật, Cuba... Thành phố đã đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sinh học, như trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, sản xuất giống vật nuôi, cá cảnh và các chế phẩm vi sinh phục vụ cho cây trồng vật nuôi và thủy sản, vaccin phòng bệnh cho thủy sản...

Tin cùng chuyên mục