Trong cuộc chiến đấu với tội phạm, cùng với sự giúp sức của người dân, mỗi cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) Công an TPHCM luôn phải mưu trí, khôn khéo, dũng cảm và có tâm. Đó cũng là “bí quyết” giúp các CB-CS vạch trần, trừng trị được cái ác và giúp những người lầm lỡ ý thức được hành vi sai trái và thực sự hối cải.
Khi “chìa khóa” là họa tiết hai quả đấm
Vào lúc 20 giờ 30 ngày 25-5-2008, có tin báo trước số nhà 911/16 Tạ Quang Bửu (phường 5, quận 8), hai thanh niên dùng dao đâm anh Phạm Văn Lập (SN 1981, ở nhà kể trên) tử vong. Hay tin cấp báo, nhóm điều tra Công an quận 8 xuống hiện trường, truy xét đối tượng gây án. Nhóm trinh sát đến từng nhà dân gần khu vực xảy ra án mạng để nắm tình hình, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác tội phạm.
Qua công tác vận động, thu thập, một thanh niên cung cấp thông tin quý giá: ngay trước thời điểm xảy ra vụ án mạng, hai đối tượng đi xe máy hiệu Max, song song hai yếm xe có gắn họa tiết đôi nắm đấm bằng nhựa (như yếm giả) màu trắng. Chúng còn dừng lại hỏi thăm nhà của người có biệt danh là “Chùa đầu trọc”. Có được thông tin trên, các cán bộ điều tra thấy vụ án đã bắt đầu có lối mở.
Sau khi rà soát, Công an quận 8 thấy đối tượng Huỳnh Hoàng Phi (SN 1991, ngụ 178/1 Bùi Minh Trực, phường 6) có xe gắn máy tân trang như đối tượng nghi vấn. Khi tiếp cận căn nhà trên, nhóm điều tra phát hiện chiếc xe Max gắn họa tiết hai nắm đấm đang dựng trong nhà. Chủ xe Huỳnh Hoàng Phi và một nhóm thanh niên nghi vấn được mời lên cơ quan điều tra để cho nhân chứng nhận dạng.
Cùng với các chứng cứ khác, Phi và 3 đối tượng khác phải cúi đầu nhận hành vi phạm tội của mình. Qua xác minh được biết, người cả nhóm tìm để trả thù là “Chùa đầu trọc” tức Lê Tấn Phát (SN 1988, ngụ hẻm trên), nhưng bọn chúng lại gặp anh Lập (cũng trọc đầu) đang đi bộ trong hẻm nên ra tay… nhầm.
“Trong đấu tranh tội phạm, vai trò của người dân vô cùng quan trọng. CB-CS có hai tay, hai mắt nhưng người dân thì trăm tay, nghìn mắt. Mỗi người dân như một ăng ten thu tín hiệu giúp chúng tôi có thể nhận, phân tích, xử lý thông tin nhanh”- thượng úy Lê Hữu Phước (SN 1963), hiện là Phó đội trưởng Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an quận 8, chia sẻ.
Đánh trúng “gót chân Asin” của đối tượng
Ngày 13 và 14-1-2009, công an liên tiếp vớt được 3 phần thi thể trong giai đoạn phân hủy trôi nổi trên kênh, được xác định cùng của 1 phụ nữ. Việc điều tra gặp nhiều trở ngại: không có hiện trường vụ án, nạn nhân chưa rõ danh tính… Sau khi khám nghiệm tử thi, CB-CS nhận định, nạn nhân khoảng 30 tuổi. Không hề có dấu hiệu của một vụ tai nạn...
Từ nhận định ban đầu, PC14 triển khai lực lượng tập trung rà soát toàn bộ 24 quận, huyện và các tỉnh, thành lân cận phát hiện chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1979, ngụ quận 6), cả tuổi tác và thời gian mất tích đều có nhiều điểm trùng khớp với nạn nhân. Kết quả giám định AND đã khẳng định, nạn nhân có cùng huyết thống với mẹ của chị Mai.
Bước khó khăn nhất là xác định danh tính nạn nhân đã được giải quyết. Tuy nhiên lúc này, hàng loạt câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời: nạn nhân mất tích ở đâu, có quan hệ với những người nào, gặp ai lần cuối cùng…? Gia đình nạn nhân cho biết từ năm 2004, Mai gặp gỡ và cặp bồ với một người tên Trực không rõ lai lịch.
Suốt 4 tháng liền, bằng nghiệp vụ trinh sát, cơ quan điều tra thu được thông tin người tên Trực đi lại với Mai suốt 4 năm qua có mẹ và anh trai đang ở đường Khuông Việt (quận Tân Phú).
Từ đầu mối này, PC14 xác định Trực đang ở Phú Riềng (Bình Phước) cùng vợ con. Ngày 12-5, một mũi trinh sát được cử đi Bình Phước bắt giữ Nguyễn Hữu Trực (SN 1968), đưa về PC14 Công an TPHCM.
Trung tá Nguyễn Hải Triều, cán bộ Đội 9 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC14) Công an TPHCM cùng các điều tra viên liên tục đấu tranh. Nhưng Trực khăng khăng: “Không biết ai tên là Mai. Không biết cô Mai ở đâu”. Trực còn thách thức: Muốn gì thì… đưa chứng cứ ra đi!
“Cương” không được, Trung tá Nguyễn Hải Triều chuyển sang động viên, khuyên nhủ. Tới ngày 20-5, Trực thành khẩn khai báo: ngày 10-1, do ghen tuông vô cớ, Trực bóp cổ Mai tại phòng trọ. Sau đó, lôi xác Mai vào phòng tắm, phân xác, mang đi vứt xác tại các đoạn kênh để phi tang.
Trung tá Nguyễn Thanh Tùng (Đội 9, PC14) Công an TPHCM tâm sự, không phải lúc nào nghi phạm cũng hợp tác với cán bộ điều tra. Đa phần, các đối tượng chỉ cúi đầu khai nhận khi cơ quan điều tra đưa ra được các chứng cứ chắc chắn hoặc có lập luận sắc sảo. Đối tượng càng ngoan cố, cán bộ điều tra càng phải tìm được điểm yếu, “gót chân Asin” của họ.
Đường Loan
Lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm (SGGP).- “Việc thành lập lực lượng cảnh sát HSĐN là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, đáp ứng kịp thời cho công tác đấu tranh trấn áp các loại tội phạm trong tình hình mới” - Đó là khẳng định của Ban Giám đốc Công an TPHCM trong buổi sơ kết vào ngày 18-8 về hoạt động của lực lượng cảnh sát hình sự đặc nhiệm (HSĐN) sau 18 tháng thành lập. Lực lượng cảnh sát HSĐN bắt giữ gần 2.500 đối tượng, triệt phá gần 690 băng nhóm cướp, cướp giật, trộm, gây rối… trong thời gian qua; góp phần kéo giảm tội phạm hình sự, đảm bảo sự ổn định về an ninh trật tự trên địa bàn TPHCM. Lực lượng cảnh sát HSĐN chỉ chiếm khoảng 1/5 quân số của lực lượng cảnh sát hình sự nhưng lại phát hiện, bắt giữ trên 50% số vụ và số đối tượng phạm pháp hình sự. Đ.Loan |