Mỹ Latinh tăng dòng vốn đầu tư FDI

Viện Ngoại thương Tây Ban Nha và Ban Thư ký Ibero-America vừa công bố báo cáo cho biết trong năm 2021, các doanh nghiệp Mỹ Latinh đã rót hơn 57,4 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài. Đây là một trong những con số lớn nhất trong lịch sử và cao hơn 25,5% so với mức trước đại dịch.
 Dây chuyền sản xuất ô tô tại Mexico
Dây chuyền sản xuất ô tô tại Mexico

Mức tăng ngoạn mục 

Con số trên là mức tăng trưởng ngoạn mục - sau khi đầu tư nước ngoài của Mỹ Latinh chạm đáy vào năm 2020 do cuộc khủng hoảng Covid-19, cho thấy sự trở lại của khu vực Mỹ Latinh trên đường đua đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Chuyên gia Adrián Blanco của Viện Ngoại thương Tây Ban Nha nhận định, dòng vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ Latinh gia tăng nhanh phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp khu vực. Theo ông Blanco, diễn biến giá cả hàng hóa và lãi suất, cũng như tăng trưởng của các nền kinh tế G7 và Trung Quốc đóng vai trò thúc đẩy nền kinh tế Mỹ Latinh. Các yếu tố khác bao gồm phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số niềm tin kinh doanh được cải thiện.

Theo báo cáo, Brazil dẫn đầu khu vực về đầu tư ra nước ngoài, với lũy kế 277,4 tỷ USD, tiếp theo là Mexico với 178,9 tỷ USD, và Chile với 145,3 tỷ USD. Tuy nhiên, xét về tương quan giữa vốn đầu tư và quy mô nền kinh tế, Chile giữ vị trí quán quân, bỏ xa Colombia và Brazil ở 2 vị trí đứng sau. Hiện Mỹ Latinh đứng thứ tư trong danh sách đầu tư vào Tây Ban Nha, sau Mỹ, Anh và Pháp. Trong đó, Mexico chiếm 58,9% đầu tư của khu vực, tiếp theo là Argentina với 15,5%, và Venezuela với 8%.

Các mối quan tâm chính của doanh nghiệp Mỹ Latinh khi đầu tư ra nước ngoài, bao gồm mức lương hưu cạnh tranh, thu hút nhân tài, giá nguyên vật liệu, tính bền vững của đầu tư, sự thay đổi thói quen tiêu dùng, số hóa và chủ nghĩa bảo hộ.

Đồng nội tệ phục hồi mạnh 

Xu hướng tăng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Mỹ Latinh diễn ra trong bối cảnh các đồng nội tệ phục hồi nhanh và lấy lại đà tăng giá, góp phần đảo ngược xu hướng ghi nhận trong năm 2021. Năm ngoái, đồng peso của Argentina là đồng tiền mất giá nhiều thứ hai trên thế giới, với mức giảm 20,5% so với đồng USD, tiếp đến là đồng peso của Chile với 18,7%, đồng peso Colombia với 17% và sol của Peru với 11,9%. Tuy nhiên, trong quý 1-2022, các đồng tiền của Mỹ Latinh đã  “lội ngược dòng” nhờ giá nguyên liệu thô cao, gia tăng lãi suất và các dòng tiền luân chuyển. Điều này đã thu hút các nhà đầu tư mới đang tìm kiếm đích đến an toàn hơn cho dòng tiền đã giúp Mỹ Latinh lấy lại vị thế. 

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá triển vọng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng tại khu vực Mỹ Latinh và Caribbean trong năm nay ở mức ổn định. Theo Moody’s, các điều kiện thanh khoản chung sẽ vẫn ổn định vì nguồn tài chính chủ yếu tiếp tục là tiền gửi từ người dân, qua đó giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn trên thị trường bên ngoài. Điều này sẽ hỗ trợ chất lượng tín dụng của các ngân hàng Mỹ Latinh và sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định còn rất nhiều biến số và không loại trừ khả năng các đồng tiền khu vực mất giá trở lại do ảnh hưởng từ biến động chính trị do xung đột giữa Ukraine và Nga. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ đã giảm kỳ vọng tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh trong giai đoạn 2022-2024. Theo đó, mức tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh trong năm 2022 sẽ giảm từ 2,1% xuống 1,2% và xuống mức -0,4% vào năm 2024, trước khi quay trở lại mức tăng trưởng dài hạn là khoảng 2,5%. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra mức dự báo 2,5% trong năm nay. Liên quan tới hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, IMF dự báo Mexico sẽ đạt mức tăng trưởng 2% trong năm 2022, trong khi Brazil dự kiến đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục