Nghiên cứu gần đây nhất do Trường Đại học Bách khoa TPHCM nghiên cứu cho thấy, xu hướng tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng sẽ dần chiếm lĩnh trên thị trường. Trong đó, người tiêu dùng đặc biệt ưu tiên lựa chọn sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe người sử dụng. Ngược lại, với những sản phẩm của các doanh nghiệp gây hại cho môi trường, họ sẵn sàng từ chối sử dụng cho dù giá thành có cạnh tranh hơn.
Từ thắt chặt quy định xử lý doanh nghiệp đen…
Ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc Nhà máy Sữa Thống Nhất khẳng định, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất được coi là yếu tố đủ để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển. Cụ thể, với đối tác hợp tác của công ty, trước khi ký hợp đồng nhận cung cấp sản phẩm, chắc chắn họ phải thực hiện bước thẩm định năng lực. Trong quá trình thẩm định, yếu tố thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường có thể không phải là yếu tố đầu tiên, càng không phải yếu tố quyết định để đối tác đặt bút ký hợp đồng nhưng sẽ là yếu tố đủ để đối tác chọn ký hợp đồng hợp tác. Trên thực tế, trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế ngày càng khốc liệt như hiện nay, giữa các đối thủ cạnh tranh cùng lĩnh vực, đối tác chắc chắn sẽ chọn doanh nghiệp nào có đầy đủ yếu tố về năng lực hơn, trong đó bao gồm yếu tố thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường để ký kết hợp đồng hợp tác. Mặt khác, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện Luật bảo vệ môi trường đã khá hoàn thiện. Những bất cập trong quy định của luật đã được sửa đổi khá hoàn thiện. Đây sẽ là cơ sở để đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra môi trường trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Trong đó, đáng kể nhất là với những doanh nghiệp tái vi phạm môi trường nhiều lần, vi phạm mức độ nghiêm trọng rất khó có khả năng tiếp tục hoạt động sản xuất mà có nguy cơ đối mặt với hình thức phạt như buộc tạm ngưng hoạt động, đình chỉ sản xuất hoặc buộc di dời vào những khu vực quy hoạch sản xuất đặc trưng. Như vậy, xét về mặt tâm lý, sẽ không có doanh nghiệp nào muốn hợp tác làm ăn với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất không ổn định và có khả năng bị đóng cửa bất cứ lúc nào vì hành vi vi phạm môi trường.
... đến phong trào cổ xúy cho lối sống xanh
Một thực tế khác mà nhiều doanh nghiệp lo ngại hơn quy định xử phạt môi trường đó chính là sự tổn hại thương hiệu trong mắt cộng đồng. Điều này xuất phát từ việc phong trào tiêu dùng xanh đã và đang phát triển khá mạnh mẽ trong cộng đồng. Nghiên cứu đã chỉ rõ, có đến 60% người tiêu dùng sẵn sàng chuyển sang sử dụng sản phẩm cùng loại của thương hiệu khác thay cho sản phẩm thương hiệu đang dùng nếu công ty trên có hành vi vi phạm môi trường. Không chỉ vậy, đại diện Liên hiệp hội Phụ nữ TPHCM khẳng định, trong những năm qua, công tác tuyên truyền cộng đồng nâng cao nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường thực hiện khá mạnh mẽ. Đơn cử, Liên hiệp Hội Phụ nữ thành phố đã ký liên tịch với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Đối tượng của hội chủ yếu tập trung và chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ ở lứa tuổi đã lập gia đình. Do vậy, hàng trăm ngàn cẩm nang sống xanh, tiêu dùng xanh đã được chuyển đến tận tay người dân. Kết hợp với đó là hàng trăm tuyên truyền viên đã đến từng hộ gia đình, vận động người dân hưởng ứng phong trào sống có lợi cho môi trường. Cho đến nay, ít nhiều các chị em phụ nữ đã xác định rõ sản phẩm nào là sản phẩm thân thiện môi trường và cách sống nào thì có lợi cho môi trường. Ngoài ra, hiện có rất nhiều tổ chức xã hội tham gia phong trào kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường. Điển hình như chương trình Giờ Trái Đất, chiến dịch Tiêu dùng xanh do UBND TPHCM phát động từ năm 2010, chương trình Quỹ một triệu cây xanh, chương trình ngày chủ nhật xanh, trường học xanh… Những hoạt động này đã và đang hướng đến đa dạng các đối tượng, tổ chức, cá nhân trong xã hội.Tuy nhiên, dù là tác động đến đối tượng nào thì những phong trào trên bước đầu cho thấy tác dụng rất tích cực của nó. Điển hình nhất là đã tạo ra đại đa số người dân thiên về hướng sống xanh hơn, sạch hơn.
Không dừng lại đó, trong năm 2012 Luật quyền người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Luật này đã tạo cơ sở để người dân phát huy hơn nữa quyền của mình – quyền sử dụng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, cho môi trường sống của chính mình. Từ quyền này, người tiêu dùng sẽ từng bước buộc các doanh nghiệp phải chấp hành tốt hơn những quy định về vấn đề sản xuất phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và gìn giữ môi trường sống xanh, sạch cho cộng đồng. Đại diện Ban chỉ đạo Giải thưởng Doanh nghiệp xanh thuộc UBND TPHCM khẳng định, để hỗ trợ cộng đồng phát huy quyền người tiêu dùng, bắt đầu từ năm 2013, những doanh nghiệp đạt chứng nhận Doanh nghiệp xanh TPHCM sẽ được hỗ trợ dán nhãn Doanh nghiệp xanh trên bao bì sản phẩm. Cách làm này nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận diện đâu là sản phẩm của các doanh nghiệp đang thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng và doanh nghiệp nào chưa. Mặt khác, thành phố sẽ xây dựng nhiều chính sách tuyên truyền cho sản phẩm có gắn nhãn Doanh nghiệp xanh để giúp người dân hiểu và sử dụng loại sản phẩm này. Càng có nhiều sản phẩm dán nhãn Doanh nghiệp xanh cũng đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều Doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Quan trọng hơn, nếu ngày càng có người tiêu dùng sản phẩm gắn nhãn Doanh nghiệp xanh thì sẽ càng tạo nên được thị trường cạnh tranh lành mạnh mà ở đó, doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm với cộng đồng hơn sẽ phát triển mạnh và bền vững hơn.
HOÀNG LAN