Nan giải mở rộng bảo hiểm y tế

Chỉ còn ít ngày nữa Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) có hiệu lực thực thi trong đời sống xã hội tròn 2 năm. 2 năm qua, cùng những quy định cởi mở hơn về chính sách BHYT người dân đã bước đầu “mặn mà” hơn với việc tham gia BHYT.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, sau 2 năm có Luật BHYT, số người dân tham gia BHYT đã tăng thêm 25%. Đến nay, cả nước đã có trên 59,7 triệu người có BHYT, đồng nghĩa với gần 60% dân số nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kinh phí khám chữa bệnh của BHYT khi ốm đau. Người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên cũng đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT. Nhiều người bệnh hiểm nghèo sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao đã được BHYT thanh toán. Chỉ tính năm 2010, cả nước đã có 106 triệu lượt người bệnh BHYT được khám chữa bệnh, với tần suất khám chữa bệnh bình quân 2,1 lần/người/năm.

Sau khi Luật BHYT được thực thi, với quy định tăng mức đóng BHYT và mở rộng đối tượng tham gia, Quỹ BHYT đã có kết dư, tạo điều kiện phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT.

Tuy nhiên, 2 năm thực hiện Luật BHYT cũng bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc, bất cập. Trong đó, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT vẫn rất hạn chế và chậm chạp. Hiện nay, số đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT mới chỉ đạt 70%. Hiện nay, cả nước có khoảng 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, nhưng mới chỉ có 8 triệu trẻ được cấp thẻ BHYT. Như vậy còn 2 triệu trẻ em dưới 6 tuổi phải đối mặt với khó khăn mỗi khi phải khám, chữa bệnh. Thống kê từ các địa phương cho thấy, cả nước hiện mới chỉ có 700.000/6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT.

Nguyên nhân chính do nhiều địa phương không lập danh sách hộ cận nghèo mà chủ yếu tập trung bình xét, lập danh sách hộ nghèo. Đa số đối tượng nhóm hộ cận nghèo là người có thu nhập thấp, nên dù được Nhà nước hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT, thậm chí nhiều địa phương còn hỗ trợ tới 80%, số tiền còn lại mà hộ cận nghèo phải đóng để có được tấm thẻ BHYT thực sự trở thành thách thức lớn với họ. Hơn nữa, cho dù có thẻ BHYT, người cận nghèo hay người nghèo cũng không được miễn phí hoàn toàn 100% chi phí khám chữa bệnh, thuốc men mà họ vẫn phải gánh chịu 5% chi phí khám chữa bệnh. Đây cũng là sự phiền toái và gánh nặng không nhỏ cho những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mắc bệnh mãn tính, nan y khi đi khám chữa bệnh BHYT.

Ngày 1-7 tới đây sẽ là Ngày BHYT Việt Nam và đánh dấu 2 năm thực hiện Luật BHYT, với quyết tâm thực hiện tốt Luật BHYT, Bộ Y tế đã đưa chủ đề hành động năm nay là “Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi trong khám chữa bệnh BHYT”. Đây là công việc không hề đơn giản trong quá trình thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014.

Vì vậy, để mở rộng được đối tượng tham gia BHYT và thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân, đòi hỏi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế và các cơ quan chức năng sớm có những quy định pháp luật mới về BHYT nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay trong việc thực thi Luật BHYT. Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho người bệnh có BHYT, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục