Đầu tháng 7 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cử đoàn giám sát đến làm việc với các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước (TĐ-TCT) để thực hiện kế hoạch giám sát chuyên đề về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các TĐ-TCT. Đồng thời, theo chỉ thị của Thủ tướng, công tác sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cũng phải được thực hiện khẩn trương để bảo đảm đến ngày 1-7-2010 tất cả các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hiện có đều chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty TNHH. Đây được xem là những hành động quyết liệt nhằm thực tế hóa Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và Nghị quyết về phân bổ ngân sách TƯ năm 2009 mà Quốc hội đã thông qua vào cuối năm vừa qua. Đó là cần đánh giá toàn diện hoạt động của các DNNN, đặc biệt là các TĐ-TCT và cắt giảm “bầu sữa” ngân sách dành cho các TĐ-TCT.
Sự thật là trong những năm qua, các TĐ-TCT đã chịu rất nhiều sự chỉ trích và cảnh báo của các tổ chức và chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước về hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Được thành lập nhằm tạo ra những “quả đấm thép” cũng như là “trục xương sống” cho nền kinh tế nước ta nhưng các TĐ-TCT đã chưa thỏa mãn được kỳ vọng ban đầu.
Với nhiều ưu thế về mặt bằng đất đai, nguồn vốn, hợp đồng kinh tế, đường lối phát triển…, các TĐ-TCT đã dễ dàng đầu tư sang các mảng ngoài “sở trường” như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… Chính vì đầu tư trái lĩnh vực chính nên hiệu quả sử dụng vốn thấp, gây thất thoát và lãng phí, nguồn lực bị phân tán đồng thời tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh với các thành phần kinh tế khác, dẫn đến làm suy giảm chính sức cạnh tranh của mình và cả nền kinh tế.
Đã từng có thống kê rằng các DNNN chiếm đến 50% vốn đầu tư nhà nước, 70% tổng dư nợ quốc gia và 80% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 17,4%, thấp nhất so với các khu vực kinh tế khác, lại góp phần lớn nhất vào nhập siêu. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả đầu tư công thấp là một trong những lý do dẫn tới lạm phát cao trong 2 năm qua.
Nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các TĐ-TCT đối với nền kinh tế nước ta khi năm 2008 vừa qua, khối TĐ-TCT đạt tổng doanh thu 753.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% GDP, lợi nhuận đạt 111.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 150.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 37% tổng nộp ngân sách của cả nước. Tuy nhiên, những đóng góp trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của các “anh cả”.
Do nhiều lý do khách quan mà lâu nay sự kiểm soát các TĐ-TCT thiếu chặt chẽ nên dấu ấn của các “quả đấm thép” thể hiện lên nền kinh tế không thật mạnh mẽ. Bởi chưa có khung pháp lý rõ ràng mà “trục xương sống” của nền kinh tế bộc lộ nhiều dấu hiệu phát triển lệch lạc. Do vậy, với chủ trương của Đảng là phải đảm bảo khối kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thì những động thái “khám sức khỏe” nghiêm túc và kỹ càng các TĐ-TCT là cực kỳ cần thiết và sẽ tạo niềm tin lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Cùng với đó, dư luận cũng rất mong sẽ sớm có những “liệu pháp” thích hợp và mạnh mẽ để các đầu tàu kinh tế của đất nước ngày càng trưởng thành vững chắc hơn.
THÁI HOÀNG LIÊM