Ý kiến đại biểu QH về trứng gà nhiễm melamine

Nâng cao sức đề kháng của thị trường

Nâng cao sức đề kháng của thị trường
  • ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh): Phải chủ động “phòng vệ”

Câu trả lời đầu tiên của các cơ quan nhà nước trong trường hợp này nghe rất quen, ấy là: “chúng tôi chưa phát hiện ra trứng nhiễm melamine nhập khẩu chính ngạch”. Trước đây, khi vụ sữa có melamine bùng nổ cũng có câu trả lời tương tự, rồi khoảng 1 tuần sau mới đính chính là có. Tôi cho đây không phải là cách trả lời thấu đáo và có thể làm yên lòng người dân. Người dân không quan tâm (và làm sao mà biết được!) là hàng hóa mình mua được nhập chính ngạch hay tiểu ngạch hay thậm chí nhập lậu; cái họ cần là chất lượng hàng hóa đó phải được kiểm định chặt chẽ.

Nâng cao sức đề kháng của thị trường ảnh 1
Người tiêu dùng chọn mua trứng gà sạch. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Vấn đề là khả năng “phòng vệ”, khả năng lường trước những vụ việc tương tự của nền kinh tế chúng ta còn rất kém, công tác kiểm dịch, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm của ta chưa được chú trọng đúng mức. Ở đây có chuyện kinh phí và nhân lực của cơ quan chịu trách nhiệm về kiểm định hàng hóa nói chung, về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm nói riêng. Tôi cho khâu cần quan tâm nhất hiện nay là nhân lực, vì kinh phí kiểm định thì có thể yêu cầu DN nhập khẩu chịu. Quản lý thị trường vừa qua là một trong những khâu yếu kém của ta.

Tuy nhiên, theo chỗ tôi biết thì trứng nhiễm melamine không quá nghiêm trọng như đối với sữa. Trẻ em có thể uống hàng lít sữa, nhưng chắc khó có thể ăn vài chục quả trứng mỗi ngày.

  • ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế: Còn quá sớm để nói về tác hại của trứng có melamine

Hiện tại chưa có những nghiên cứu khoa học đầy đủ về tác hại cũng như nồng độ nào của melamine trong thực phẩm là ở ngưỡng gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Về trứng gà, cũng chưa xác định được là người ta cố tình đưa chất ấy vào hay bị nhiễm tự nhiên. Trên nguyên tắc thì trong thực phẩm không được phép có melamine, nhưng cái này cũng còn tùy quy định của từng nước. Thường thì các nước phát triển có yêu cầu khắt khe hơn đối với sản phẩm. Việc kiểm định trứng thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

BÌNH AN

TPHCM: Chưa phát hiện trứng gà nhiễm melamine

Ngày 29-10, ông Huỳnh Hữu Lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, cho biết kết quả kiểm nghiệm của hàng chục mẫu trứng được lấy ngẫu nhiên ở chợ và siêu thị trong ngày 27-10 vừa qua cho thấy chưa có mẫu nào nhiễm melamine. Ngoài ra, một số mẫu thức ăn chăn nuôi ngay sau khi kiểm tra cũng cho kết quả âm tính với melamine. Tuy nhiên, theo ông Lợi, các ngành chức năng vẫn tiếp tục lấy thêm nhiều mẫu nữa để kiểm nghiệm. Hiện Chi cục Thú y TPHCM đã phối hợp với lực lượng liên ngành tập trung kiểm soát chặt các vựa trứng, các cửa hàng thức ăn chăn nuôi và các cửa ngõ ra vào thành phố. Đặc biệt đối với các cửa hàng bán trứng không nhãn hiệu, không có dấu kiểm dịch sẽ được yêu cầu xác minh nguồn gốc.

NG.HƯƠNG

Thủy sản Việt Nam không nhiễm melamine

(SGGP).- Trước một số thông tin đưa ra trong 2 ngày qua cho rằng một số mẫu thức ăn chăn nuôi thủy sản ở ĐBSCL cũng có nhiễm melamine, chiều qua 29-10, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Như Tiệp đã ký công văn khẳng định rằng không hề có melamine trong các sản phẩm thủy sản ở Việt Nam.

Trao đổi với báo chí chiều qua, ông Tiệp xác nhận, vào cuối tháng 9-2008, trước khi có sự kiện sữa nhiễm melamine thì cơ quan chức năng đã phát hiện có 1-2 lô nguyên liệu bột cá làm thức ăn chăn nuôi thủy sản được nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm melamine. Ngày 22-10, cơ quan chức năng đã điều tra. Theo kết quả giám định thì lô nguyên liệu này có chứa melamine với nồng độ trên 100ppm. Trong đó, đã có một phần bột cá được mang đi cho cá ăn và để chắc chắn, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã lấy mẫu cá nuôi và cá phi - lê thành phẩm để kiểm tra melamine. Cụ thể, khi kiểm tra 15 mẫu cá được nuôi tại các ao nuôi có sử dụng lô thức ăn trên và 10 mẫu cá được chế biến lấy phi - lê thì kết quả kiểm định cho thấy không có bất kỳ mẫu cá nào bị nhiễm melamine.

Ông Tiếp khẳng định: “Khi cá cũng như các loài gia cầm, gia súc ăn thức ăn có nhiễm melamine thì chỉ có thể bị các bệnh về tiết niệu, còn khả năng tích lũy melamine là rất thấp, trừ khi thức ăn có hàm lượng quá cao và ăn quá lâu”. Tuy nhiên, sau khi phát hiện thức ăn chăn nuôi thủy sản có melamine, Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã thông báo ngay cho Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam và tất cả cửa khẩu, yêu cầu phải có chứng thư đã kiểm tra không có melamine trong thức ăn chăn nuôi nhập từ Trung Quốc thì mới được nhập khẩu vào Việt Nam.

P.HẬU

TPHCM: Niêm phong 2 lô hàng có mẫu nguyên liệu thức ăn thủy sản chứa melamine

Chiều 29-10, ông Đặng Ái Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL &BVNLTS) TPHCM cho biết, khi kiểm tra 2 công ty, đã phát hiện melamine trong mẫu nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc với khối lượng là 240 tấn. Hàm lượng melamine trung bình trong các mẫu nguyên liệu này là 0,76% và 1,4%. Ngoài ra, còn phát hiện trong mẫu nguyên liệu trên có tinh bột với tỷ lệ khoảng 20%. Chi cục QLCL&BVNLTS TPHCM đã niêm phong toàn bộ 2 lô hàng của 2 công ty này. 

Đ.C.P.

Tin cùng chuyên mục