Nâng cao vai trò hoạt động từ cơ sở

Hệ thống chính trị tại cơ sở đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi lẽ, tất cả các vấn đề của xã hội đều phát sinh từ cơ sở - địa bàn dân cư. 
Do vậy, nếu hệ thống chính trị tại cơ sở hoạt động hiệu quả, chủ động nắm bắt, nắm chắc tình hình, chắc chắn sẽ xử lý nhanh, kịp thời các vấn đề phát sinh, không để tạo ra điểm nóng, xung đột lớn… Ngược lại, nếu cơ sở quản lý địa bàn dân cư theo kiểu hời hợt, lỏng lẻo, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ quả khó lường, thậm chí đe dọa đến an toàn, an ninh quốc gia. 

Một trong những lý do quan trọng khiến nhà đầu tư chọn Việt Nam làm điểm đến bởi Việt Nam có nền chính trị ổn định, tình hình an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo, doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm hoạt động. Thế nhưng, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn toàn xã hội của cả nước đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, khó lường. Các thế lực vẫn luôn tìm cách để chống phá, gây xáo trộn xã hội, đe dọa đến sự an toàn của người dân, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của đất nước. 
Điều này có thể thấy rõ khi những ngày qua, một số đối tượng đã lợi dụng dư luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu) và Luật An ninh mạng để có các hành vi chống phá, gây rối, kích động người dân tham gia tụ tập đông người, đập phá, hủy hoại tài sản nhà nước, chống người thi hành công vụ, làm cho cuộc sống người dân trở nên bất an, đảo lộn…

Trước thực tế trên, đòi hỏi hệ thống chính trị tại cơ sở càng phải vững vàng, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy tối đa vai trò của mình. Yêu cầu từ thực tiễn là như vậy. Và thực tế hiện nay, nhiều nơi tại các địa phương, hệ thống chính trị tại cơ sở hoạt động rất hiệu quả, bộ phận “chân rết” của phường - xã - thị trấn nắm rất chắc tình hình của địa bàn mình.  

Nhưng cũng còn không ít nơi, hoạt động của bộ máy chính trị tại cơ sở chưa thật sự hiệu quả, nhiều cán bộ vô cảm trước những vấn đề bức xúc của người dân. Chuyện người dân khi gặp vấn đề tìm chính quyền, đặc biệt là cảnh sát khu vực - những người gần dân nhất - nhưng nhận lại sự thờ ơ, tắc trách không phải là hiếm. Nói ra điều này để thấy rằng, ngay khi người dân cần mà chính quyền sở tại, các lực lượng chức năng còn lạnh nhạt, né tránh, thì thử hỏi những vị này có đủ nhiệt tình, tận tâm, tận lực trong công tác, chủ động nắm bắt tình hình dân cư khi được giao trách nhiệm để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh? Đó là chưa kể rất nhiều nơi, hoạt động của tổ dân phố, ban bảo vệ dân phố, tổ mặt trận, phụ nữ, thanh niên, hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi… bầu ra cho có, đủ ban bệ nhưng lại rất hình thức. Vì lẽ đó, có rất nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn dân cư, thậm chí có những vấn đề tạo thành các điểm nóng phức tạp nhưng không thấy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức này. 

Những điều nói trên đã làm suy giảm sức mạnh của bộ máy chính quyền cơ sở, suy giảm hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, một bất cập đặt ra là chế độ, chính sách đối với những người làm công việc này tại địa phương lại quá thấp, èo uột, đặc biệt là bộ phận “chân rết” của chính quyền ở địa bàn dân cư. Thế nên, đối với những cá nhân làm việc tích cực, hiệu quả, có trách nhiệm với vô số việc “không tên”, họ bị thiệt thòi… 

Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội đang diễn biến theo hướng phức tạp. Do vậy, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tại cơ sở nhằm giữ vững trị an trong tình hình mới cần được đánh giá sát và thực chất hơn. Từ đó, có những giải pháp kịp thời để giải quyết những bất cập đang đặt ra để lực lượng cơ sở hoạt động hiệu quả, thực chất hơn.

Tin cùng chuyên mục