Nâng chất đội ngũ cán bộ

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã nêu lên hiện tượng “chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương chưa được khắc phục”, tức là vấn đề “chạy” trong công tác cán bộ đã có và đã được phát hiện song ngành nội vụ hiện nay không xác định được cụ thể địa chỉ thì không thể nói rằng đã làm tốt chức trách của mình. Trên thực tế, vấn đề này đã râm ran không ít trong thời gian qua, với mức độ và độ phổ biến không hề nhỏ. Dĩ nhiên, việc “bắt tận tay, day tận mặt” không hề dễ dàng, bởi đây là hiện tượng “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” nên không ai dại gì công khai. Chính vì thế mà ngành nội vụ phải mạnh dạn truy tìm và chấn chỉnh, nhất là trong đội ngũ cán bộ công chức làm công tác cán bộ ở các cơ quan thuộc ngành quản lý. Bởi nếu không xác định được một cách quyết đoán là có hiện tượng này hay không, quy mô thế nào và địa chỉ cụ thể thì không thể làm người dân an tâm và tin tưởng. Ngành nội vụ nên “lắng nghe” một cách cầu thị từ cử tri, từ cán bộ công chức, từ người dân, báo chí… để xác định đúng bản chất của hiện tượng “chạy” (nếu có) và có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Trong khi đó, tình trạng một bộ phận cán bộ công chức được bố trí “nhầm chỗ”, dẫn đến không phát huy được năng lực, thậm chí có những người không làm được việc do không có năng lực đó đây vẫn còn. Nếu không phải 30% thì cũng đã có khoảng 1% - 2% như chính bộ trưởng đã thừa nhận trong một phát biểu trước đây. Ở đây, cần thẳng thắn nhìn nhận: tiêu chí nào để xác định con số này và độ tin cậy của các con số này đến đâu? Nếu dựa trên đánh giá cán bộ hàng năm của các cơ quan thì dù đây là một căn cứ chính thức nhưng hoàn toàn thiếu độ chính xác, bởi ai cũng rõ tính xuê xoa, du di của cuộc bỏ phiếu này. Rõ ràng có hiện tượng “thất nghiệp trá hình” trong các cơ quan, tức là hầu như cơ quan nào cũng có thể giảm bớt một vài cán bộ công chức mà không ảnh hưởng đến chất lượng và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, ngành nội vụ phải có cuộc khảo sát toàn diện, khoa học và khách quan để đánh giá đúng thực chất hiện trạng này nhằm có biện pháp xử lý phù hợp.

Ai cũng thấy “cán bộ là cái gốc của công việc” nhưng việc quản lý công tác làm cán bộ công chức và quản lý các cơ quan nội vụ hiện nay dường như chưa thực sự làm yên lòng người dân. Đó đây, người có năng lực, bằng cấp tốt vẫn khó được nhận vào các cơ quan nhà nước, nếu có được nhận cũng đôi khi không được bố trí công tác phù hợp khiến họ phải bỏ ra bên ngoài. Hiện tượng “chảy máu chất xám” ở khu vực nhà nước vẫn diễn ra khá thường xuyên, điều đó không thể nói là không có trách nhiệm của ngành nội vụ. Trong khi đó, hiện tượng bố trí cán bộ theo kiểu quen biết, gửi gắm, nhất là do “chạy” đó đây vẫn xảy ra với mức độ ngày càng đáng báo động nhưng việc ngăn chặn vẫn dường như còn bỏ ngỏ. Từ đó, gần như đã hình thành một tâm lý tiêu cực rằng người làm trong hệ thống cơ quan nhà nước thì đều do gửi gắm, quen thân, hoặc người làm trong các cơ quan nhà nước phần nhiều không đủ năng lực làm việc ở các cơ quan bên ngoài. Đó là một ngộ nhận tai hại, có nguyên do từ những lỗ hổng, thiếu sót trong quản lý công tác làm cán bộ của ngành nội vụ.

Do đó, ngành nội vụ cần quản lý chặt hơn đội ngũ cán bộ công chức, nhất là với cán bộ công chức ở các cơ quan thuộc ngành nội vụ phải chọn đầu vào những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất bằng những cách khách quan, công tâm và khoa học (phỏng vấn, thi tuyển…); có hình thức đánh giá mức độ hoàn thành công việc dựa trên những quy chuẩn mới (qua khảo sát, qua sự đánh giá mức độ hài lòng của người dân, qua các kỳ sát hạch ngẫu nhiên…); bồi dưỡng, đào tạo phù hợp để cán bộ công chức có thể không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất, có thể đáp ứng nhiệm vụ ngày càng tốt hơn; mạnh dạn loại những cán bộ không đáp ứng yêu cầu và luân chuyển, bố trí lại những người không phù hợp; xử lý nghiêm các trường hợp “chạy”, nhất là đối với cán bộ thuộc ngành nội vụ…

Ngành nội vụ nên xác lập một lộ trình xử lý vấn đề này, thay vì chỉ hứa chung chung. Có như vậy mới có thể xây dựng được một đội ngũ cán bộ công chức vừa hồng vừa chuyên, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển đất nước.

VÂN TÂM

Tin cùng chuyên mục