Trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là sau gần 30 năm cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước do Đại hội VI của Đảng đề ra năm 1986, đến nay “TPHCM đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội, góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của vùng và cả nước” (Nghị quyết số 16-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đến năm 2020). Loạt bài “TPHCM - 30 năm đổi mới và phát triển” nhằm chuyển đến bạn đọc những bài học kinh nghiệm thực tiễn có giá trị to lớn của TPHCM đóng góp vào công cuộc đổi mới của Đảng, về sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, luôn biết chớp thời cơ, luôn phát huy truyền thống bất khuất, kiên cường và đặc biệt luôn phát huy truyền thống năng động, sáng tạo vốn được hun đúc từ hơn 300 năm trước - thời điểm hình thành thành phố Sài Gòn, nay là TPHCM.
Sau ngày miền Nam được giải phóng (tháng 4-1975), đứng trước vô vàn khó khăn chồng chất, TPHCM đã có những bước đi đột phá, từng bước tháo gỡ vướng mắc, đấu tranh với những trở lực của cơ chế cũ đang kìm hãm sự phát triển của TP. Cũng chính bám sát thực tiễn và từ thực tiễn, TPHCM với những cách làm mới, tư duy mới đã giúp cho Trung ương có thêm chất liệu sống để hình thành đường lối đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng năm 1986.
Những năm sau Đại hội VI, tuy những nét cơ bản của đường lối đổi mới đã được vạch ra, nhưng tình hình vẫn không dễ dàng. Chỉ riêng lĩnh vực kinh tế, hàng loạt vấn đề phát sinh cần tiếp tục xử lý cả về chủ trương, chính sách và biện pháp thực tế. Là hình ảnh thu nhỏ của đất nước, TPHCM mang đầy đủ những đặc điểm chung, những khả năng và thuận lợi chung của cả nước, đồng thời TPHCM cũng có những đặc điểm riêng, những tiềm năng, lợi thế và cả những khó khăn to lớn riêng. Trong hoàn cảnh ấy và trên tinh thần đổi mới của Đảng, TPHCM một lần nữa phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, đi đầu trong việc tháo gỡ khó khăn bằng việc vận dụng sáng tạo đường lối chung vào điều kiện cụ thể của TP. Từ đó tập hợp, tổ chức và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, biến những nỗ lực và sáng tạo phi thường trong chiến tranh giải phóng dân tộc thành ý chí và sức sáng tạo lớn trong thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng.
Nói đến sự năng động, sáng tạo của TPHCM trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng trong gần 30 năm qua, thực chất là nói tới cuộc đấu tranh cam go, khốc kiệt giữa cái mới, tiến bộ và cái cũ, bảo thủ - điều mà TPHCM luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy muôn vàn khó khăn, phức tạp, không thể thực hiện nhanh, thậm chí có lúc bị “tuýt còi” và phải chịu tổn thất nghiệt ngã. Bởi năng động, sáng tạo - suy cho cùng, có một phần phủ định cái cũ, chống lại thói quen, tập quán lỗi thời, nên đôi khi nó đem đến sự rủi ro cao. TPHCM đứng trước thử thách đổi mới bản thân tổ chức bộ máy, thông qua thay đổi cơ cấu và cơ chế vận hành bộ máy. Đó là loại bỏ các bộ phận không hiệu quả, nặng tính kiểm soát thay vì thúc đẩy. Đi liền đó, TP tập trung loại bỏ các rào cản nặng tính quan liêu, xa vời thực tiễn, rồi đặt ra một cơ chế mới, cho phép thử nghiệm các ý tưởng mới, mô hình mới. Với phương châm dựa vào dân để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội đặt ra và trên hết là vì lợi ích của nhân dân, TPHCM tiến hành giải quyết hàng loạt các vấn đề bức xúc của đời sống nhân dân, từ việc nhỏ nhất, cấp bách trước mắt cho tới các vấn đề phát triển mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững. Thực tiễn ở TPHCM chỉ ra bài học: Sự nghiệp đổi mới phải đi từ lĩnh vực kinh tế sang các lĩnh vực xã hội, chính trị, dân vận và cả xây dựng Đảng. Trong quá trình đổi mới, TPHCM không tránh khỏi những va vấp, thiếu sót, khuyết điểm, nhưng điều quan trọng là Đảng bộ, chính quyền TPHCM đã bình tĩnh, đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình để nghiêm túc sửa chữa, điều chỉnh và hoàn thiện, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm.
Nhìn lại thành quả đạt được hôm nay ở TPHCM sau 40 năm xây dựng và phát triển, trong đó có quá trình 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, cho thấy có sự khởi nguồn từ tính năng động, sáng tạo của TPHCM. Đó không chỉ là sự kế thừa lịch sử hơn 300 năm hình thành TP Sài Gòn mà còn thừa hưởng di sản hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã đúc kết, tính cách của người Sài Gòn xưa - nay là TPHCM, cũng như của người dân Nam bộ nói chung, là “bản lĩnh kiên cường, tinh thần năng động, sáng tạo, khả năng hợp tác cao và luôn luôn thích ứng”. Họ “luôn coi tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu - tất cả hướng đến thực tế, không lý thuyết suông, không giáo điều, lấy hiệu quả lao động làm mục đích chính”. Ở họ, luôn có “phong cách khoan dung, khoáng đạt, tinh thần nghĩa hiệp, nhân hậu và nặng nghĩa tình”… Trong 40 năm qua, tính năng động, sáng tạo của TPHCM đã phát huy đến đỉnh cao khi góp phần thiết lập cơ chế quản lý mới, mở đầu cho công cuộc đổi mới và góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới của Đảng. Tính năng động, sáng tạo của TPHCM đã trở thành niềm tự hào không chỉ của nhân dân thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu mà của cả đất nước.
TUẤN SƠN