Thủ tướng nhấn mạnh, trong thành tựu 5 năm qua, các yếu tố nền tảng KH-CN, đổi mới sáng tạo đóng góp quan trọng trong cải thiện chất lượng tăng trưởng của TP. Trong đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) liên tục tăng gấp 2,6 lần, GDP bình quân đầu người gấp 2,4 lần bình quân cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng KH-CN cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, nhiều mô hình phát huy hiệu quả như Khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung. Cùng với đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN có nhiều đổi mới, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước.
Để có những kết quả đó, TPHCM luôn xác định và thực hiện chiến lược phát triển KH-CN nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH của thành phố. Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) đang tiếp tục duy trì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định, ước cả năm 2020 giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao đạt 19 tỷ USD. Đây là con số đáng ghi nhận trước những diễn biến phức tạp trên toàn thế giới do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Với diện tích khoảng 800ha, SHTP thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 8 tỷ USD và 35.000 lao động, giá trị xuất khẩu 5 năm qua là 63 tỷ USD.
Hiện trong các công ty hàng đầu ở SHTP, đa số nhân sự bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) đều là người Việt, đã góp phần tạo nên những sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu khắp thế giới. Song song đó, một số tập đoàn lớn như Nidec, Samsung… đã và đang hình thành các trung tâm nghiên cứu tại SHTP để từng bước nâng cao giá trị sản phẩm công nghệ cao sản xuất tại TPHCM. SHTP cũng vừa hình thành trung tâm AI Innovation Hub để tiếp tục thu hút các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực AI, triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển các giải pháp AI cho doanh nghiệp khởi nghiệp... và thúc đẩy cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI. Tháng 10-2020, TPHCM cũng vừa công bố kết quả Dự án KH-CN thí điểm hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong R&D tại SHTP.
Với Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), chiến lược xây dựng Chuỗi QTSC thành thương hiệu mạnh cũng hướng tới việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, cạnh tranh với các chuỗi công viên phần mềm khác tại khu vực châu Á. QTSC đang chuyển đổi từ công viên phần mềm (Software City) trở thành công viên khoa học - thành phố khoa học (Science City).
Không chỉ tập trung ở SHTP, QTSC…, sản phẩm công nghệ tại TPHCM cũng được “chào bán” ở Sàn Thương mại điện tử do Hội Tin học TPHCM phát triển. Hiện sàn thu hút hơn 50 doanh nghiệp tham gia, giới thiệu, chào bán 110 giải pháp, dịch vụ, sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, làm việc từ xa qua phòng họp ảo, tổng đài ảo, hệ thống quản trị nguồn lực… với nhiều tên tuổi lớn trong ngành CNTT tại TPHCM. Ngoài ra, còn có Chợ Công nghệ và Thiết bị TPHCM (Techmart Online) là nơi bày bán, trao đổi và giới thiệu hàng ngàn thiết bị công nghệ để cộng đồng và doanh nghiệp tìm kiếm, đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị.
TPHCM đang tạo ra các cơ chế tài chính để thu hút vốn, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; gắn kết các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp hướng đến công nghệ 4.0. Những hoạt động đó minh chứng cho vai trò đầu tàu, không chỉ phát triển kinh tế mà còn đi đầu trong đổi mới công nghệ, sản xuất thiết bị công nghệ mới, tạo nền tảng bứt phá trong tương lai. Điều đó cũng phù hợp với mục tiêu nêu ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 với nội dung: Đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.