Nên tăng mức giảm trừ thuế thu nhập cá nhân

Một trong 6 luật thuế quan trọng vừa được Bộ Tài chính xin ý kiến sửa đổi, được dư luận quan tâm, là thuế thu nhập cá nhân. Sắc thuế này được cho là có nhiều bất cập, cần thay đổi trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá xăng dầu trong nước tăng cao đang tác động mạnh đến đời sống người dân.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều tác động tới sản xuất - kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng; giãn, giảm thuế đối với doanh nghiệp… Thế nhưng, sắc thuế thu nhập cá nhân vẫn đứng yên.

Điều đáng nói là trải qua 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, đời sống, thu nhập của người dân giảm đáng kể với tình trạng thất nghiệp, mất việc, giãn việc ở diện rộng thì tổng số tiền thu thuế từ thu nhập cá nhân vẫn tăng tới 114%. 

Điểm bất cập cơ bản trong sắc thuế này là thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh còn lâu và dài. Đợt gần nhất mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng cũng phải mất đến 7 năm. Tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm. Ngay cả chuẩn nghèo gần đây cũng đã được điều chỉnh tăng gấp đôi so với trước. Trong khi đó, mức giảm trừ gia cảnh dù đã điều chỉnh vào năm 2020 từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng thì vẫn quá thấp. Ước tính của nhiều gia đình tại TPHCM, chi tiêu bình quân không thể dưới 15 triệu đồng/người/tháng. Nếu dưới mức này là thuộc người có thu nhập thấp, không phải đối tượng chịu thuế. Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện tại là 4,4 triệu đồng/người/tháng lại càng cách xa mức chi tiêu thực tế. 

Vì lẽ đó, trong đợt sửa đổi lần này, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức giảm trừ gia cảnh, nếu tính theo số tuyệt đối thì nên tăng lên 20 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời quy định, khi nào chỉ số giá tiêu dùng biến động tăng 10% thì mức này sẽ được điều chỉnh thay vì 20% như hiện nay. Hoặc để không phải thay đổi thường xuyên, ban soạn thảo có thể lựa chọn phương án mức giảm trừ gia cảnh bằng 5 lần lương tối thiểu vùng; người phụ thuộc có mức giảm trừ gia cảnh bằng 40% người nộp thuế.

Tin cùng chuyên mục