Như vậy chỉ mới cải tạo một phần nhỏ diện tích, bởi công viên bến Bạch Đằng trên trục đường Tôn Đức Thắng dọc sông Sài Gòn có chiều dài 1,3km và rộng 23.400m², có những cây cổ thụ với đường kính lớn, tỏa bóng mát. Vị trí này khá lý tưởng, là không gian công cộng khá hiếm hoi còn sót lại gần phố đi bộ Nguyễn Huệ, thu hút nhiều người đến tập thể dục, dạo mát, vui chơi.
Chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng góp phần tạo mỹ quan khu vực trung tâm. Tuy nhiên, hãy hướng đến tổng thể mặt bằng trong khu vực để có phương án thiết thực lâu dài và hiệu quả cao hơn. Đó là tổ chức lại không gian sông Sài Gòn, gồm công viên bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cảng Ba Son, cảng Sài Gòn, Tân Cảng…
Sông Sài Gòn đoạn qua địa phận TPHCM dài khoảng 70km, bề rộng từ 225-370m, độ sâu có những chỗ tới 20m. Với hành lang bảo vệ mỗi bên rộng từ 30-50m, nhiều đoạn có sẵn khu đất công khá rộng, thuận lợi trong giao thông với hàng loạt cây cầu vượt sông như Bình Phước, Bình Lợi, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Chữ Y, Phú Mỹ… Sông Sài Gòn có đặc điểm độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị đi qua nhiều quận huyện; đoạn được cho là đẹp nhất đi qua địa bàn các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, 1, 2, 4. Những cảng Ba Son, Sài Gòn, Tân Cảng được di dời ra xa để lại những khu đất rộng lớn ven sông ở các vị trí “trắc địa”, cùng với nhiều khu đất trống khác lân cận và dải đất dài rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan và tạo ra những phân khu chức năng phục vụ cộng đồng, văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch.
Nên chăng hướng đến đổi mới toàn diện tư duy phát triển đô thị, trong đó có công tác lập quy hoạch kết hợp vận dụng đặc trưng sông Sài Gòn để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời, cuộc sống cư dân địa phương. Đồng thời kết hợp góp phần giải quyết những trở ngại về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Quỹ đất hai bên sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án mở rộng không gian, cảnh quan đô thị kết nối khu vực trung tâm và các nơi lân cận. Thuận lợi hơn nhờ có sẵn nhiều địa điểm lý tưởng để kết nối với các khu vực trung tâm phục vụ khai thác du lịch, phát triển văn hóa, tái hiện lại cảnh truyền thống “trên bến dưới thuyền”. Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm thuận, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích và địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ và cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng.
Thu hút đầu tư và huy động được nguồn vốn xã hội hóa tham gia đầu tư các dự án phục vụ cộng đồng hai bên bờ sông Sài Gòn và khai thác dịch vụ là rất khả thi, vừa giúp giảm gánh nặng ngân sách, TPHCM còn thu thuế nếu được nghiên cứu một cách thấu đáo và có những quyết sách phù hợp.