Nét đẹp rằm tháng Giêng ​

Rằm tháng Giêng là rằm lớn trong năm. Nét mới trong hoạt động chuẩn bị đón rằm tháng Giêng năm nay là nhiều chùa và cơ sở tín ngưỡng dân gian trên địa bàn TPHCM đã vào cuộc, vận động người đến chiêm bái giảm đốt nhang và không đốt vàng mã.
Tục đốt vàng mã có giảm, nhưng vẫn còn người đốt vàng mã ở cơ sở tín ngưỡng dân gian
Tục đốt vàng mã có giảm, nhưng vẫn còn người đốt vàng mã ở cơ sở tín ngưỡng dân gian
Giảm người mua vàng mã
Ngày 26-2 (tức mùng 10 âm lịch) chúng tôi ghé Lăng Ông (quận Bình Thạnh). Trưa nắng nhưng vẫn có người đến cúng. Hai bên lối vào trước cổng lăng có vài sạp bày bán nhang đèn. Bên trong, gần lối vào chính điện, có một người đàn ông bày chiếc bàn nhỏ, bán nhang đèn, dầu. Anh tên Giàu, cho biết đã làm nghề này 3 đời, từ đời bà ngoại vợ, đến gia đình vợ rồi nay đến lượt vợ chồng anh. Được hỏi về việc bán nhang đèn, anh thiệt thà cho biết: “Lúc cao điểm cũng phải bán bên ngoài, mấy ngày nay là thấp điểm, vắng nên được châm chước cho vào bên trong bán. Dạo này mua bán ế ẩm lắm, tôi làm nghề tay trái kiếm thêm thôi”. Chỉ vào những tờ giấy khổ tờ A2 in các hình nhân màu vàng nghệ, anh nói: “Đây là để cúng Ông, giá 40.000 đồng/bộ kèm nhang đèn, nhưng mấy năm gần đây người ta cũng ít mua, chủ yếu là mua nhang đèn hoặc dầu, có nhiều người tiết kiệm, không mua nhang mà xài nhang do lăng phát, mỗi người 6 cây để cắm. Bây giờ việc đốt vàng mã giảm nhiều lắm rồi!”.
Từ phía chính điện rẽ phải về hướng cổng đường Phan Đăng Lưu, chúng tôi tấp vào một bàn bán nhang đèn của một cô gái trẻ đang là nhân viên siêu thị, hôm nay ra phụ bán cho mẹ cô. Cô than: “Bán ế lắm chú ơi, giấy tiền cúng Ông thỉnh thoảng lắm mới có người mua, chủ yếu chỉ bán nhang thôi!”. 
Tại các cơ sở tín ngưỡng dân gian, hội quán người Hoa trong những ngày tết vừa qua cũng đã giảm người mua vàng mã. Chú Thành là người bán nhang đèn hơn chục năm nay trước cổng chùa Minh Hương trên đường Hồng Bàng (quận 5) than: “Người mua tiền vàng bạc đã giảm nhiều lắm rồi, không đắt hàng như mấy năm trước nữa. Khách chủ yếu chỉ mua nhang và dầu. Tôi ráng đội nắng nôi kiếm chút tiền chợ chứ thu nhập ngày càng ít đi”. Bên gian trái phía trong chùa cũng thấy có quầy bán nhang đèn, dầu, giấy vàng mã. Cô gái đứng bán chỉ vào xấp giấy cúng đủ màu cho biết khách mua phần nhiều là bà con người Hoa, còn người Việt thì chỉ mua nhang đèn. 
Dạo qua các chùa Phật giáo như Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi (quận 3) Hưng Long, Trấn Quốc (quận 10)… cũng thấy có rất ít người bán vàng mã. 
Vận động để thay đổi nhận thức
   Ngày 26-2 (mùng 10 âm lịch), ghé Hội quán Ôn Lăng (còn gọi là chùa Bà Quan Âm) trên đường Lão Tử (phường 11, quận 5), chúng tôi thấy có khá đông khách thập phương đến viếng. Ông Hồng Thế Chân, Phó ban Thường trực Hội quán Ôn Lăng, cho hay: “Việc giảm đốt nhang và vàng mã đã được vận động trong nhiều năm qua. Đêm giao thừa tết vừa rồi, khách đến cúng đông quá, chúng tôi phải tăng cường 20 nhân viên bảo vệ giữ trật tự và đề nghị khách chỉ đốt mỗi người 6 nén nhang. Gần giao thừa, chùa đề nghị mỗi người chỉ đốt 3 nén nhang, rồi đến giao thừa thì mỗi người chỉ đốt 1 nén nhang để tránh ngộp khói. Bình thường, trước chùa có nhiều sạp bán nhang đèn, vàng mã, bên trong cũng có một quầy, nhưng chúng tôi cũng vận động giảm thiểu tối đa việc đốt nhang và vàng mã. Mùng 1 hay ngày rằm cũng hạn chế như dịp tết, chỉ cho đốt vài tờ giấy vàng bạc gọi là cho có thôi, còn vàng mã như nhà lầu, xe hơi… thì tuyệt đối không cho đốt trong khuôn viên chùa”.  
Thật vậy, chúng tôi thấy trước cổng chùa và nhiều nơi bên trong chùa đều có dán thông báo nhắc nhở hạn chế đốt nhang và vàng mã. Nơi dành để bày cúng vàng mã và nơi đốt vàng mã thỉnh thoảng cũng có người cúng và đốt. Giải thích về chuyện này, ông Chân cho biết, đa số khách đến cúng là bà con giới lao động, buôn bán nên không thể cấm đốt vàng mã, mà chỉ vận động, và cũng sẽ cần thêm thời gian để hoàn toàn không đốt vàng mã bằng cách bố trí nhân viên bảo vệ ngay cổng, không cho mang vàng mã vào bên trong đốt. “Chùa đã tích cực vận động bà con thay vì đốt nhang đèn hay vàng mã thì nên tích phước bằng việc làm từ thiện, và rất được bà con ủng hộ. Bình quân mỗi tháng, chùa chi gần 500 triệu đồng là tiền cúng của bà con để làm công tác xã hội hay ủng hộ cho các hoạt động văn hóa - giáo dục địa phương”. Thiết nghĩ, nên nhân rộng cách làm của chùa Bà Quan Âm.

Tin cùng chuyên mục