Nếu chần chừ, sẽ trả giá đắt

Dự án mở rộng thủ đô Hà Nội đã chính thức được đặt lên bàn kỳ họp Quốc hội. Có nhiều luồng quan điểm khác nhau. Nhiều ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương mở rộng song đề xuất cần cân nhắc kỹ hoặc nên mở rộng nhưng cần trì hoãn, kéo dài thời gian... Trong khi đó, có một thực tế là nếu cứ để nguyên như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng Hà Tây sẽ quy hoạch kiểu Hà Tây, Vĩnh Phúc sẽ quy hoạch kiểu Vĩnh Phúc, Hòa Bình quy hoạch kiểu Hòa Bình, Hà Nội cũng vậy… Mạnh ai nấy làm, mỗi địa phương tự vẽ một kiểu quy hoạch trong phạm vi địa giới hành chính của mình, theo điều kiện và lợi ích riêng. Rồi tình trạng cấp bán đất tràn lan xảy ra. Tỉnh nào cũng có khu đô thị mới, khu sân golf, khu công nghiệp... Tỉnh A có thì tỉnh B cũng có. Vẽ dự án kiểu “phong trào”. Đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực dần biến mất. Vành đai xanh cũng không còn. Phố xá, nhà máy, khách sạn, cao ốc cũng ầm ầm được xây dựng.

Trong khi mở rộng thủ đô Hà Nội là một đòi hỏi tất yếu, trước sau đều phải bắt tay vào làm. Việt Nam cần phải có một thủ đô lớn, xứng tầm trong khu vực, là trung tâm lớn về chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học và đặc biệt là kinh tế, giao dịch như Nghị quyết Trung ương 15 đã xác định. Đây không phải là một ý thích chủ quan mà xuất phát từ sức ép của sự phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng nếu cứ chần chừ, trì hoãn, sau 10, 20, 30 năm nữa mới tính đến việc mở rộng thì Hà Nội sẽ phải đối mặt với một thách thức khó vượt qua được. Lúc đó, Hà Nội dù có “ba đầu sáu tay” cũng chưa chắc xoay xở được trước bài toán quá hóc búa về quy hoạch. Hà Nội sẽ khó tìm được một không gian để “thoát” ra ngoài. Muốn xây một công trình lớn, mang tầm vóc thủ đô cũng khó tìm được nơi đất rộng, đặc biệt là chuyện muôn thuở đền bù, giải tỏa sẽ thế nào khi phải tiếp nhận một miếng bánh đã bị chém cắt nham nhở? Lúc đó, ngay cả muốn mở một con đường nhỏ ra khu vực mới cũng rất nan giải. Bởi Hà Nội đã và đang thấm thía với nhiều bài học về quy hoạch. Trong đó, bài học về dự án con đường “đắt nhất hành tinh” (đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa thuộc một phần của tổng dự án đường vành đai 1 dẫn từ trung tâm Hà Nội lên Hồ Tây đi sân bay Nội Bài) và dự án đường vành đai 3 (đoạn Pháp Vân-Thanh Xuân-Mai Dịch) cho đến nay vẫn còn như một chứng cứ sống. Do yếu kém về tầm nhìn, lề mề về quy hoạch, dẫn đến tình trạng đô thị xây dựng, lấn chiếm tràn lan. Bây giờ, cứ đụng đến dự án là đụng ngay đến thách đố hóc búa nhất: đền bù, hỗ trợ GPMB. Cả một núi tiền của đã đổ ra, nhưng bao nhiêu năm qua, cả hai dự án vành đai vẫn rơi vào tắc tịt. 

Do đó, một quan chức của Bộ Xây dựng đã khẳng định rằng, đây là thời cơ chín muồi nhất để mở rộng thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định, mặc dù chúng ta đang gặp khó khăn về lạm phát nhưng vận hội của Việt Nam đang rất lớn, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ về Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, chúng ta có muốn đón nhận dòng vốn đó không, có đủ diện tích, không gian, đủ những dự án lớn để họ vào đầu tư không? Đặc biệt là hiện nay các doanh nghiệp trong nước cũng đang lớn mạnh, nhu cầu về đất đai để sản xuất kinh doanh, phát triển cũng rất lớn nhưng để đáp ứng nhu cầu lâu dài cho họ thì cần phải có quy hoạch rộng, xuyên suốt, có tầm nhìn xa.

V.P.Hậu

Tin cùng chuyên mục