Nga - Mỹ: Cuộc đối đầu lan lên... vũ trụ?

Nga - Mỹ: Cuộc đối đầu lan lên... vũ trụ?

Vincent Sabathier, Giám đốc chương trình Sáng kiến Khám phá vũ trụ của con người (HSEI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ), vừa tỏ ý lo ngại Nga sẽ cắt đứt thỏa thuận cho thuê tàu vũ trụ Soyuz chở các phi hành gia lên Trạm Không gian quốc tế (ISS).

Hãng tin AFP nhận định, sự đối đầu Nga - Mỹ trong cuộc xung đột Gruzia - Nam Ossetia đã làm dấy lên những lo ngại về một cuộc “chiến tranh lạnh trên vũ trụ” mà hậu quả là các phi hành gia Mỹ sẽ không có tàu vũ trụ để lên Trạm ISS.

Nga - Mỹ: Cuộc đối đầu lan lên... vũ trụ? ảnh 1

Tàu Soyuz Nga “độc quyền” đưa phi hành gia lên ISS...

Nga - Mỹ: Cuộc đối đầu lan lên... vũ trụ? ảnh 2

...khi tàu con thoi Mỹ “nghỉ hưu” từ năm 2010

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) theo kế hoạch sẽ chấm dứt chương trình tàu con thoi trong năm 2010, trong lúc tàu vũ trụ thay thế vẫn chưa sẵn sàng cho tới năm 2015. Vì thế, ít nhất trong 5 năm Mỹ phải phụ thuộc vào Nga để có thể đưa các phi hành gia lên Trạm ISS.

Hợp đồng của Mỹ thuê tàu vũ trụ Nga cũng có thể sẽ vấp phải sự phản đối của các nghị sĩ thuộc phe bảo thủ  không muốn thanh toán tiền thuê tàu vũ trụ của Nga vì bất đồng với chính sách đối ngoại của Nga.

Buzz Aldrin, phi hành gia thứ 2 của Mỹ lên mặt trăng và hiện là một trong những người ủng hộ chiến dịch mở rộng khám phá vũ trụ cho rằng: “Nhà Trắng không thể thanh toán cho Nga tiền dịch vụ lên trạm không gian nếu như Tổng thống George W. Bush xác nhận rằng Nga đang ủng hộ Iran và những nước khác nằm trong “danh sách đen” của Mỹ.

Khoản thanh toán trước đó sẽ hết hạn vào năm 2011. Đến nay, khoản thanh toán mới vẫn chưa được thông qua và vì thế chúng tôi không có khả năng mua các chuyến bay cho các phi hành gia Mỹ trên tàu vũ trụ của Nga”.

Bill Nelson, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Florida, nơi các tàu vũ trụ Mỹ được phóng đi, nói rằng triển vọng để thông qua một khoản chi trả đang “rơi tự do”. 

Để thay thế việc thuê tàu vũ trụ của Nga, Mỹ cần phải thỏa thuận với Trung Quốc, nước đang nhanh chóng phát triển chương trình đưa con người vào vũ trụ. Tuy nhiên, Buzz Aldrin, cũng như các quan chức cao cấp khác của NASA, lại có mối lo khác là Trung Quốc có thể “đánh bại Mỹ ở mặt trăng” – nơi NASA muốn thành lập một căn cứ vĩnh viễn do con người điều khiển.

VIỆT LÊ (theo AFP)

Tin cùng chuyên mục